-->

Quy định của pháp luật về xử phạt hành vi gây mất trật tự và vệ sinh chung

Theo quy định việc các cơ sở kinh doanh, buôn bán có hành vi gây mất trật tự và vệ sinh chung sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật.

Hỏi: Bên cạnh nhà mình là một quán bia, giữa 2 nhà có một đường hẻm đi lại, nhưng họ tận dụng không gian đó để cho khách ngồi nên rất ồn ào, từ sáng sớm đến tối 10h ,11h đêm. Ngoài ra do hệ thống xử lý khói và mùi không tốt, nên khi họ nấu ăn thì khói và mùi bay ra bên nhà mình rất khó chịu. Mình có ý kiến, và họ cũng bảo sẽ sữa, nhưng sau đấy thi không có gi thay đổi cả. Cách xử lý mùi, tiếng ồn cũng như chiếm dụng đường đi của họ có phải là vi phạm pháp luật? Mình có thể nhờ UBND can thiệp về vấn đề này không? (Thanh Loan – Hà Tĩnh)



Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 19006198

Luật sư Lê Thị Quỳnh - Tổ tư vấn pháp luật Hành chính của Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:

Như thông tin chị cung cấp thì hành vi gây ồn và chiếm dụng đường đi của hàng xóm là một trong các hành vi gây mất trật tự an ninh xã hội. Pháp luật có quy định cụ thể cho từng hành vi như sau:


- Lấn chiếm lối đi chung:


Theo Nghị định số 71/2012/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 34/2010/NĐ-CP, quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao đông đường bộ, hành vi chiếm dụng lòng đường để kinh doanh là hành vi vi phạm pháp luật và bị xử lý như sau:

“Điều 15. Xử phạt cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm về sử dụng, khai thác trong phạm vi đất dành cho đường bộ

1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với người bán hàng rong hoặc bán hàng hóa nhỏ lẻ khác trên lòng đường đô thị, trên vỉa hè các tuyến phố có quy định cấm bán hàng, trừ các hành vi vi phạm quy định tại Điểm c Khoản 3, Điểm e Khoản 4 Điều này;

2. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Sử dụng, khai thác tạm thời trên đất hành lang an toàn đường bộ vào mục đích canh tác nông nghiệp làm ảnh hưởng đến an toàn công trình và an toàn giao thông;

b) Trồng cây trong phạm vi đất dành cho đường bộ ở đoạn đường ngoài đô thị làm che khuất tầm nhìn của người điều khiển phương tiện giao thông.

3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Xây dựng nhà ở trái phép trong phạm vi đất dành cho đường bộ ở đoạn đường ngoài đô thị;

b) Dựng lều quán, cổng ra vào, tường rào các loại, công trình tạm thời khác trái phép trong phạm vi đất dành cho đường bộ, trừ các hành vi vi phạm quy định tại Điểm đ Khoản 4, Điểm a Khoản 5 Điều này;

c) Họp chợ, kinh doanh dịch vụ ăn uống, bày, bán hàng hóa, sửa chữa xe, rửa xe, đặt, treo biển hiệu, biển quảng cáo, làm mái che trên lòng đường đô thị, hè phố hoặc thực hiện các hoạt động, dịch vụ khác trái phép trên lòng đường đô thị, hè phố gây cản trở giao thông, trừ các hành vi vi phạm quy định tại Điểm d, Điểm đ, Điểm e, Điểm g Khoản 4, Điểm c Khoản 5, Điểm a Khoản 6 Điều này;

d) Chiếm dụng lòng đường đô thị hoặc hè phố dưới 05 m² làm nơi trông, giữ xe.

4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Đổ, để trái phép vật liệu, chất phế thải trong phạm vi đất dành cho đường bộ ở đoạn đường ngoài đô thị;

b) Tự ý đào, đắp, san, lấp mặt bằng trong hành lang an toàn đường bộ;

c) Tự ý gắn vào công trình báo hiệu đường bộ các nội dung không liên quan tới ý nghĩa, mục đích của công trình đường bộ;

d) Sử dụng trái phép đất của đường bộ hoặc hành lang an toàn đường bộ làm nơi tập kết hoặc trung chuyển hàng hóa, vật tư, vật liệu xây dựng, máy móc, thiết bị, các loại vật dụng khác;

đ) Dựng lều quán, công trình tạm thời khác trái phép trong khu vực đô thị tại hầm đường bộ, cầu vượt, hầm cho người đi bộ;

e) Bày, bán máy móc, thiết bị, vật tư, vật liệu xây dựng hoặc sản xuất, gia công hàng hóa trên lòng đường đô thị, hè phố;

g) Chiếm dụng lòng đường đô thị hoặc hè phố từ 05 m2đến dưới 10 m2làm nơi trông, giữ xe.

5. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Xây dựng nhà ở trái phép trong phạm vi đất dành cho đường bộ ở đoạn đường trong đô thị;

b) Trồng cây xanh trên đường phố không đúng quy định;

c) Chiếm dụng lòng đường đô thị hoặc hè phố từ 10 m2đến dưới 20 m2làm nơi trông, giữ xe.

6. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Chiếm dụng lòng đường đô thị hoặc hè phố từ 20 m2trở lên làm nơi trông, giữ xe;

b) Dựng biển quảng cáo trên đất hành lang an toàn đường bộ không được cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền đồng ý bằng văn bản;

c) Mở đường nhánh đấu nối trái phép vào đường chính.

7. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi xây dựng công trình kiên cố khác trái phép trong phạm vi đất dành cho đường bộ.

8. Ngoài việc bị phạt tiền, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm quy định tại các Khoản 2, 3, 4, 5, 6 và Khoản 7 Điều này còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả sau đây: Buộc phải dỡ bỏ các công trình xây dựng, biển quảng cáo, di dời cây trồng trái phép, thu dọn vật liệu, chất phế thải, hàng hóa và khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra".


- Gây mất trật tự:


Theo Nghị định 73/2010/NĐ-CP của Chính phủquy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội, hành vi gây ồn của nhà hàng xóm bị xử lý như sau:

"Điều 8. Hành vi gây ảnh hưởng đến sự yên tĩnh

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo trong khoảng thời gian từ 22 giờ đến 5 giờ sáng hôm sau;

b) Không thực hiện các quy định về giữ yên tĩnh của bệnh viện, nhà điều dưỡng, trường học hoặc ở những nơi khác có quy định phải giữ yên tĩnh chung.

2. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi sau đây: dùng loa phóng thanh, chiêng, trống, còi, kèn hoặc các phương tiện khác để cổ động nơi công cộng mà không được phép của các cơ quan có thẩm quyền.

3. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tịch thu tang vật, phương tiện đối với hành vi quy định tại khoản 2 Điều này”.


- Gây ô nhiễm môi trường:

Hành vi không xử lý khói và mùi hôi trong quá trình nấu nướng của nhà hàng xóm bị coi là hành vi gây ảnh hưởng đến vệ sinh chung và có thể bị xử phạt hành chính theo điều 9 Nghị định 73/2010/NĐ-CP:


" Điều 9. Hành vi gây ảnh hưởng đến việc giữ gìn vệ sinh chung

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 60.000 đồng đến 100.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Không thực hiện các quy định về quét dọn rác, khai thông cống rãnh trong và xung quanh nhà ở, cơ quan, doanh nghiệp, doanh trại gây mất vệ sinh chung;

b) Đổ nước hoặc để nước chảy ra khu tập thể, lòng đường, vỉa hè, nhà ga, bến xe, nơi công cộng, trên các phương tiện giao thông hoặc ở những nơi khác làm mất vệ sinh chung;

c) Tiểu tiện, đại tiện ở đường phố, trên các lối đi chung;

d) Để gia súc, gia cầm hoặc các loại động vật khác phóng uế ở nơi công cộng;

đ) Lấy, vận chuyển phân bằng phương tiện giao thông thô sơ trong thành phố, thị xã để rơi vãi hoặc không đảm bảo vệ sinh.

2. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Vận chuyển phân bằng phương tiện giao thông cơ giới trong thành phố, thị xã để rơi vãi hoặc không đảm bảo vệ sinh;

b) Đổ rác hoặc bất cứ vật gì khác vào hố ga, hệ thống thoát nước công cộng;

c) Vứt rác, xác động vật hoặc bất cứ vật gì khác ra nơi công cộng, chỗ có vòi nước, giếng nước ăn, ao, đầm, hồ mà thường ngày nhân dân sử dụng trong sinh hoạt làm mất vệ sinh;

d) Tự ý đốt chất thải, chất độc hoặc các chất nguy hiểm khác ở khu vực dân cư, nơi công cộng.

3. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi làm nhà vệ sinh không đúng quy định gây mất vệ sinh chung.

4. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong những hành vi đổ chất thải, chất bẩn hoặc các chất khác làm hoen bẩn nhà ở, cơ quan, trụ sở làm việc, nơi sản xuất, kinh doanh của người khác.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường đối với hành vi quy định tại điểm b, c, d, đ khoản 1; điểm a, c, d khoản 2 và khoản 4 Điều này;

b) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với hành vi quy định tại điểm b khoản 2 và khoản 4 Điều này;

c) Buộc tháo dỡ công trình vệ sinh đối với hành vi quy định tại khoản 3 Điều này."

Như vậy, để bảo vệ quyền lợi của mình, chị hoàn toàn có thể làm đơn tố cáo hành vi vi phạm hành chính của người hàng xóm và gửi lên Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi chị cư trú, thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính thuộc về Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện. Nếu đơn tố cáo của chị không được giải quyết trong thời hạn luật định (thời hạn giải quyết tố cáo là 60 ngày, kể từ ngày thụ lý, đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết là 90 ngày, kể từ ngày thụ lý. Trường hợp cần thiết, người có thẩm quyền giải quyết tố cáo có thể gia hạn giải quyết một lần nhưng không quá 30 ngày; đối với vụ việc phức tạp thì không quá 60 ngày), chị có quyền làm đơn tố cáo tiếp lên Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, đơn tố cáo lần hai của chị sẽ được xem xét và xử lý trong thời hạn 10 ngày.

Khuyến nghị:

  1. Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
  2. Nội dung bài tư vấn pháp luật hành chính mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Tại thời điểm quý Vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.