Luật Bảo vệ quyền lợi NTD cấm các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ quấy rối NTD thông qua tiếp thị hàng hóa, dịch vụ trái với ý muốn của người tiêu dùng.
Hỏi:Đề nghị Luật sư tư vấn, pháp luật quy định như thế nào về các hành vi quấy rối người tiêu dùng, ép buộc người tiêu dùng? Hình thức xử phạt đối với các loại hành vi này. (Nguyễn Thu Hồng - Hải Phòng)
Tiến sĩ, luật sư Vũ Thái Hà - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội - trả lời:
Quấy rối người tiêu dùng (NTD) là hành vi tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với NTD để giới thiệu về hàng hóa, dịch vụ, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ hoặc đề nghị giao kết hợp đồng trái với ý muốn của NTD, gây cản trở, ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt bình thường của người tiêu dùng (khoản 4, Điều 3 Luật Bảo vệ quyền lợi NTD). Khoản 2, Điều 10 Luật Bảo vệ quyền lợi NTD cấm các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ quấy rối NTD thông qua tiếp thị hàng hóa, dịch vụ trái với ý muốn của NTD từ hai lần trở lên hoặc có hành vi khác gây cản trở, ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt bình thường của NTD.
Căn cứ theo Điều 22 Nghị định 19/2012/NĐ-CP ngày 16-3-2012 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi NTD, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa dịch vụ thực hiện hành vi quấy rối NTD sẽ bị áp dụng các hình thức xử phạt như sau:
Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau: 1) Quấy rối NTD thông qua tiếp thị hàng hóa, dịch vụ trái với ý muốn của NTD từ hai lần trở lên; 2) Có hành vi gây cản trở, ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt bình thường của NTD.
Ngoài ra, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa dịch vụ thực hiện hành vi vi phạm sẽ phải chịu thêm hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm.
Khoản 3, Điều 10 Luật Bảo vệ quyền lợi NTD quy định các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa dịch vụ không được ép buộc NTD thông qua việc thực hiện một trong các hành vi: dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc các biện pháp khác gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài sản của NTD; lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của NTD hoặc lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để ép buộc giao dịch.
Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ vi phạm quy định trên sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điều 23 Luật Bảo vệ quyền lợi NTD như sau:
Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ ép buộc NTD thông qua việc thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau: 1) Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc các biện pháp khác gây thiệt hại đến sức khỏe, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài sản của NTD để ép buộc giao dịch; 2) Lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của NTD hoặc lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để ép buộc giao dịch.
Ngoài ra, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ ép buộc NTD trên sẽ phải chịu hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm và phải nộp vào ngân sách nhà nước số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện việc ép buộc NTD.
Theo Báo Hà Nội Mới
Khuyến nghị:
- Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
- Nội dung bài tư vấn pháp luật mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Tại thời điểm quý vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận