Pháp luật hiện hành của Việt Nam quy định hai chế độ trách nhiệm tài sản khác nhau cho các nhà đầu tư (chủ sở hữu) của thương nhân, đó là trách nhiệm vô hạn và trách nhiệm hữu hạn.
Pháp luật quy định hai chế độ trách nhiệm tài sản của doanh nghiệp đó là trách nhiệm vô hạn và trách nhiệm hữu hạn, có nghĩa là khi xử lí tài sản của thương nhân bị phá sản, các chủ sở hữu của các loại hình thương nhân khác nhau chịu trách nhiệm tài sản khác nhau: có những chủ sở hữu chịu trách nhiệm vô hạn, có những chủ sở hữu chịu trách nhiệm hữu hạn.
Quy định của pháp luật về trách nhiệm vô hạn
Trách nhiệm vô hạn là trách nhiệm tài sản của chủ sở hữu doanh nghiệp (thương nhân), theo đó chủ sở hữu doanh nghiệp (thương nhân) chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ của thương nhân bằng toàn bộ tài sản của mình, kể cả những tài sản không được huy động vào kinh doanh của doanh nghiệp.
Như vậy, theo chế độ trách nhiệm vô hạn thì người chịu trách nhiệm vô hạn phải dùng cả tài sản mà họ đầu tư kinh doanh lẫn tài sản khác thuộc sở hữu của họ để thanh toán các khoản nợ bên ngoài của thương nhân.
Ví dụ, chủ DNTN A có tổng số tài sản là 10 tỉ đồng, đầu tư 5 tỉ đồng vốn thành lập một DNTN, còn 5 tỉ đồng để mua sắm các tài sản phục vụ nhu cầu tiêu dùng hàng ngày. Sau thời gian hoạt động, doanh nghiệp này kinh doanh thua lỗ, tài sản còn lại của doanh nghiệp chỉ còn 4 tỉ đồng, trong lúc đó, doanh nghiệp có khoản nợ phải thanh toán cho các chủ nợ của mình là 7 tỉ đồng. Là chủ thể phải chịu trách nhiệm vô hạn theo quy định của pháp luật, chủ DNTN A ngoài việc lấy 4 tỉ đồng (tài sản còn lại của doanh nghiệp) để thanh toán cho các chủ nợ, còn phải lấy thêm 3 tỉ đồng từ khối tài sản phục vụ nhu cầu tiêu dùng hàng ngày của mình để thanh toán đủ 7 tỉ đồng cho các chủ nợ của doanh nghiệp.
Pháp luật hiện hành quy định, các chủ thể sau phải chịu trách nhiệm vô hạn: Chủ DNTN; thành viên hợp danh của công ti hợp danh; thành viên hộ kinh doanh; thành viên tổ hợp tác.
Chế độ trách nhiệm vô hạn có một số hạn chế, đó là không hạn chế được rủi ro cho chủ sở hữu (thương nhân). Trong trường hợp thương nhân kinh doanh thua lỗ, chủ sở hữu doanh nghiệp (thương nhân) có thể mất cả phần vốn đầu tư vào kinh doanh, đồng thời phải dùng cả tài sản không đầu tư vào kinh doanh để thanh toán các nghĩa vụ tài chính, các khoản nợ của thương nhân.
Quy định của pháp luật về trách nhiệm hữu hạn
Trách nhiệm hữu hạn là trách nhiệm của chủ sở hữu doanh nghiệp, theo đó chủ sở hữu doanh nghiệp chỉ chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi vốn góp vào doanh nghiệp; bản thân doanh nghiệp chịu trách nhiệm trước nghĩa vụ của mình đến hết giá trị tài sản có trong doanh nghiệp.
Đối với trách nhiệm hữu hạn thì chính bản thân thương nhân (doanh nghiệp) chịu TNHH, thương nhân chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi vốn thuộc sở hữu của mình.
Ví dụ: Công ti TNHH A, có số vốn điều lệ là 10 tỉ đồng (vốn này do các thành viên B góp 3 tỉ đồng, C góp 4 tỉ đồng, D góp 3 tỉ đồng), do kinh doanh thua lỗ công ti nợ các chủ nợ là 15 tỉ đồng. Xử lí khoản nợ 15 tỉ đồng này, với chế độ TNHH, công ti phải dùng toàn bộ tài sản có của mình (bao gồm cả số vốn điều lệ) để thanh toán khoản nợ 15 tỉ đồng trên, hết số tài sản thuộc sở hữu của doanh nghiệp, khoản nợ 15 tỉ đồng các chủ nợ coi như được thanh toán xong.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, các thương nhân được hưởng quy chế TNHH gồm: (i) Công ti TNHH; (ii) CTCP; (iii) hợp tác xã và (iv) DNNN.
Chế độ trách nhiệm hữu hạn có ưu thế nhất định đối với thương nhân, đó là hạn chế được rủi ro cho chủ sở hữu doanh nghiệp (thương nhân). Trong trường hợp thương nhân kinh doanh thua lỗ, chủ sở hữu doanh nghiệp (thương nhân) chỉ mất phần vốn đầu tư vào kinh doanh, còn tài sản không đầu tư vào kinh doanh thì không phải đưa ra để thanh toán các nghĩa vụ tài chính, các khoản nợ của thương nhân. Điều đó tạo điều kiện cho các nhà đầu tư an tâm bỏ vốn đầu tư kinh doanh.
Tuy nhiên, chế độ TNHH cũng có hạn chế, khi tham gia các quan hệ tín dụng, thương nhân chỉ có thể dùng tài sản kinh doanh (trong phạm vi vốn điều lệ của thương nhân) để làm tài sản đảm bảo khi vay vốn, do đó khả năng vay vốn sẽ bị hạn chế hơn so với khả năng vay vốn của các thương nhân chịu trách nhiệm vô hạn.
Bài viết được thực hiện bởi Luật gia Nguyễn Thu Trang - Công ty Luật TNHH Everest
Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:
1. Bài viết nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật:1900 6198, E-mail: [email protected].
Bình luận