-->

Quy định của BLDS 2015 về tài sản hình thành trong tương lai

Tài sản hình thành trong tương lai là tài sản thuộc sở hữu của bên bảo đảm sau thời điểm nghĩa vụ được xác lập hoặc giao dịch bảo đảm được giao kết, Tài sản hình thành trong tương lai bao gồm cả tài sản đã được hình thành tại thời điểm giao kết giao dịch đảm bảo

Luật sư tư vấn pháp luật đất đai - Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài (24/7): 1900 6198
Luật sư tư vấn pháp luật dân sự - Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài (24/7): 1900 6198


Chế định tài sản hình thành trong tương lai là một bước tiến lớn trong khoa học pháp lí và là sản phẩm tất yếu của sự phát triển các giao dịch dân sự.

Tài sản hình thành trong tương lai là tài sản thuộc sở hữu của bên bảo đảm sau thời điểm nghĩa vụ được xác lập hoặc giao dịch bảo đảm được giao kết. Tài sản hình thành trong tương lai bao gồm cả tài sản đã được hình thành tại thời điểm giao kết giao dịch đảm bảo, nhưng sau thời điểm giao kết giao dịch đảm bảo mới thuộc quyền sở hữu của bên đảm bảo.


Quy định của BLDS 2015 về tài sản hình thành trong tương lai

BLDS số 91/2015/QH13 được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 10 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017 (BLDS 2015) có nhiều sửa đổi, bổ sung trong đó có quy định về tài sản hình thành trong tương lai.

So với BLDS 2005, BLDS 2015 có sự kế thừa và sửa đổi, bổ sung:

- Ngay trong quy định về tài sản tại Điều 105 BLDS 2015, cụ thể như sau:

“Điều 105. Tài sản:1. Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.2. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.”
Với quy định trên, quy định về tài sản đã được BLDS 2015 tiếp cận theo hướng bảo đảm bao quát về các tài sản giao lưu trong dân sự bao gồm cả tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.

- Bổ sung thêm điều luật mới về tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai. BLDS 2015 đã sử dụng thuật ngữ “tài sản hình thành trong tương lai” và thay vì đưa ra khái niệm tài sản hình thành trong tương lai, BLDS 2015 quy định theo hướng liệt kê. Cụ thể, tại điều 108 BLDS 2015 quy định:

“Điều 108. Tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai: 1. Tài sản hiện có là tài sản đã hình thành và chủ thể đã xác lập quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản trước hoặc tại thời điểm xác lập giao dịch. 2. Tài sản hình thành trong tương lai bao gồm: (a) Tài sản chưa hình thành; (b) Tài sản đã hình thành nhưng chủ thể xác lập quyền sở hữu tài sản sau thời điểm xác lập giao dịch”.

Tuy nhiên, sự liệt kê này cho thấy BLDS đã tiếp cận theo hướng mở rộng tài sản hình thành trong tương lai so với BLDS 2005 và các luật khác (Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở). Theo đó, tài sản hình thành trong tương lai gồm: (1) Tài sản chưa hình thành; (2) Tài sản đã hình thành nhưng chủ thể xác lập quyền sở hữu tài sản sau thời điểm xác lập giao dịch.

Ngoài cách mô tả trên, BLDS 2015 không còn quy định nào khác chi tiết hóa đặc điểm pháp lý của tài sản hình thành trong tương lai.

Đồng thời, BLDS 2015 đã pháp điểm hóa quy định của Nghị định số 163/2006/NĐ-CP của Chính phủ về giao dịch bảo đảm đã được thực tiễn kiểm nghiệm bằng quy định tại Điều 295, cụ thể như sau:

“Điều 295. Tài sản bảo đảm: 1. Tài sản bảo đảm phải thuộc quyền sở hữu của bên bảo đảm, trừ trường hợp cầm giữ tài sản, bảo lưu quyền sở hữu. 2. Tài sản bảo đảm có thể được mô tả chung, nhưng phải xác định được. 3. Tài sản bảo đảm có thể là tài sản hiện có hoặc tài sản hình thành trong tương lai. 4. Giá trị của tài sản bảo đảm có thể lớn hơn, bằng hoặc nhỏ hơn giá trị nghĩa vụ được bảo đảm.”

Thực tiễn áp dụng, quy định này có thể sẽ tạo nên nhiều cách hiểu về tài sản hình thành trong tương lai. Ví dụ: Một tài sản mới chỉ được hình thành trên ý tưởng hay hợp đồng giao dịch hay bản vẽ kiến trúc, kỹ thuật có được coi tài sản hình thành trong tương lai không? Hay nói cách khác, ở giai đoạn nào của quá trình hình thành tài sản, tài sản đó được xác định là tài sản chưa hình thành nhưng sẽ hình thành trong tương lai?

Kiến nghị

Như vậy, sẽ xảy ra trường hợp giao dịch bảo đảm bằng tài sản hình thành trong tương lai đã được xác lập nhưng tại thời điểm nghĩa vụ của bên bảo đảm phát sinh, tài sản chưa hình thành hoặc quyền sở hữu tài sản của bên bảo đảm vẫn chưa xác lập. Do đó, bên nhận bảo đảm chưa thể có được quyền gì đối với tài sản ấy. Khi đó sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của bên nhận bảo đảm, mặc dù giao dịch bằng tài sản hình thành trong tương lai được xác lập hợp pháp. Có thể thấy, quy định này thiếu sự an toàn, đầy đủ về mặt pháp lý để bảo vệ quyền lợi của bên nhận bảo đảm.

Để bảo đảm việc áp dụng BLDS 2015 một cách thống nhất và hiệu quả, chúng tôi cho rằng, cơ quan có thẩm quyền cần ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết quy định về tài sản hình thành trong tương lai tại các điều 105, 108 và 295 BLDS 2015 đặc biệt là quy định tài sản hình thành trong tương lai là tài sản chưa hình thành quy định tại điểm a khoản 2 Điều 208 BLDS 2015 trong giao dịch dân sự.

Bài viết được thực hiện bởi: Luật gia Phạm Huy Tuấn - Phòng Tranh tụng của Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn pháp luật (24/7):1900 6198


Xem thêm:

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:

  1. Bài viết được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị đây chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: [email protected].