-->

Quy định có lợi cho người bị buộc tội trong bộ luật tố tụng hình sự năm 2015

Việc áp dụng “nguyên tắc có lợi” đối với người bị buộc tội thường xoay quanh việc áp dụng hay không các điều khoản của BLHS mới, xóa bỏ tình tiết tăng nặng, quy định hình phạt nhẹ hơn, tình tiết giảm nhẹ mới; xóa án tích và các quy định khác có lợi cho người phạm tội...

Trong quá trình giải quyết vụ án hình sự từ ngày 01/07/2016 đến hết ngày 31/12/2017, các cơ quan tiến hành tố tụng phải đồng thời áp dụng quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 (BLTTHS 2003) và những quy định có lợi cho người bị buộc tội quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (BLTTHS 2015). Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin đề cập đến vấn đề "quy định có lợi cho người bị buộc tội trong BLTTHS 2015".
>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Một là, quy định của pháp luật về "có lợi cho người bị buộc tội".

Theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 4 BLTTHS 2015: “Người bị buộc tội gồm người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo.”

Thuật ngữ “nguyên tắc có lợi” đã tồn tại từ lâu trong đời sống pháp luật, đặc biệt sau mỗi lần sửa đổi, bổ sung BLHS, BLTTHS; các Nghị quyết của Quốc hội về việc thi hành các bộ luật này đều hướng dẫn các trường hợp được sửa đổi, bổ sung theo hướng có lợi cho bị can, bị cáo.

Cụ thể, đối với BLHS, việc quy định áp dụng“nguyên tắc có lợi”đối với người bị buộc tội thường xoay quanh việc áp dụng hay không áp dụng chính sách hình sự mới (hình sự hoặc phi hình sự hóa hành vi); áp dụng hình phạt đối với người phạm tội mà BLHS được sửa đổi, bổ sung đã bỏ hình phạt tử hình; chuyển hình phạt tử hình thành tù chung thân đối với người đã bị kết án tử hình nhưng chưa thi hành án mà có đủ các điều kiện quy định mới; các điều khoản của BLHS mới xóa bỏ tình tiết tăng nặng; quy định hình phạt nhẹ hơn, tình tiết giảm nhẹ mới; miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, xóa án tích và các quy định khác có lợi cho người phạm tội. Ngoài ra, các cơ quan tiến hành tố tụng sử dụng “nguyên tắc có lợi” trong định tội danh, định khung hình phạt đối với những quy định chưa rõ ràng về định lượng.

Để áp dụng đúng, thống nhất và kịp thời các quy định tại điểm a và điểm b khoản 4 Điều 1 Nghị quyết 144/2016/QH13 về các quy định có lợi cho người phạm tội của BLHS 2015 và các quy định của BLTTHS 2015, ngày 13/9/2016 Tòa án nhân dân tối cao ban hành Công văn số 276/TANDTC-PC hướng dẫn áp dụng một số quy định có lợi cho người phạm. Mà theo đó, tại Mục 3 Công văn này có viết:

"Quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 để thi hành các quy định có lợi cho người phạm tội của Bộ luật hình sự năm 2015 là các quy định về thủ tục tố tụng áp dụng đối với các trường hợp sau:
a) Chuyển hình phạt tử hình sang hình phạt tù chung thân đối với các trường hợp quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 40 Bộ luật hình sự năm 2015; các Điểm a, b và Điểm c Khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 109/2015/QH13 ngày 27 tháng 11 năm 2015 của Quốc hội và hướng dẫn tại Khoản 2 Điều 1 và Điều 2 Nghị quyết số 01/2016/NQ-HĐTP ngày 30 tháng 6 năm 2016 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao;
b) Tha tù trước thời hạn có Điều kiện;
c) Xóa án tích;
d) Xử lý hình sự đối với người dưới 18 tuổi.”


Như vậy, nếu như ngoài việc áp dụng cácquy định về thủ tục tố tụng đối với các trường hợpquy định tại các điểm a, b, c, d của Mục 3 Công văn số 276/TANDTC-PC, mà rõ ràng việc áp dụng đó là có lợi cho người bị buộc tội, thì được phép không? Việc áp dụng đó có tuân thủ quy định tại điểm b khoản 4 Điều 1 Nghị quyết số 144/2016/QH13 không?. Bởi BLTTHS năm 2015 được sửa đổi, bổ sung nhiều quy định mới theo hướng tôn trọng quyền con người, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị buộc tội, mà những quy định đó không chỉ tập trung vào các nội dung như liệt kê tại các điểm a, b, c, d Mục 3 Công văn 276/TANDTC-PC.

Chính vì lẽ đó, đây là vấn đề còn có những quan điểm khác nhau về việc áp dụng các quy định của BLTTHS 2015 theo hướng có lợi cho người bị buộc tội, như sau:

- Quan điểm thứ nhất: Những quy định của BLTTHS 2015 có lợi cho người phạm tội, được hiểu đó là những quy định trực tiếp liên quan đến quyền của người bị buộc tội, nhằm bảo đảm cho người bị buộc tội thực hiện tốt quyền bào chữa và bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp khác của họ, như: Được nhận các quyết định tố tụng liên quan đến mình; Đưa ra chứng cứ; Trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá; Có quyền trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội; Đề nghị giám định, định giá tài sản; đề nghị thay đổi người định giá tài sản, người dịch thuật; Bị can có quyền đọc, ghi chép bản sao hoặc tài liệu đã được số hóa liên quan đến việc buộc tội họ trong hồ sơ vụ án sau khi kết thúc điều tra theo quy định của Bộ luật này khi có yêu cầu; Bị cáo có quyền trực tiếp hỏi những người tham gia tố tụng nếu được Chủ tọa phiên tòa đồng ý.

- Quan điểm thứ hai: Những quy định của BLTTHS 2015 có lợi cho người bị buộc tội là những quy định hướng tới bảo vệ cho họ không bị xâm hại bởi các chủ thể tiến hành tố tụng, như không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tộivà các bảo đảm cho việc thực hiện thống nhất các quy định liên quan đến các quyền và lợi ích hợp pháp của người bị buộc tội trong thực tiễn. Do đó, các quy định này phải được xem xét từ phíaNgười bị buộc tội(chủ thể có quyền) và từ phía nhữngNgười tiến hành tố tụng(chủ thể có trách nhiệm, nghĩa vụ thực hiện).

Hai là, những quy định của BLTTHS 2015 có lợi cho người bị buộc tội.

- Các quy định về quyền của người bị buộc tội.

Đó là những nội dung quy định được bổ sung đối với người bị buộc tội, tại các điều 58, 59, 60 và 61 BLTTHS năm 2015, gồm các quyền sau: Được nhận các quyết định tố tụng liên quan đến mình; Đưa ra chứng cứ; Trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá; Có quyền trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội; Đề nghị giám định, định giá tài sản; đề nghị thay đổi người định giá tài sản, người dịch thuật; Bị can có quyền đọc, ghi chép bản sao hoặc tài liệu đã được số hóa liên quan đến việc buộc tội họ trong hồ sơ vụ án sau khi kết thúc điều tra theo quy định của Bộ luật này khi có yêu cầu; Bị cáo có quyền trực tiếp hỏi những người tham gia tố tụng nếu được Chủ tọa phiên tòa đồng ý.

- Các quy định liên quan đến bào chữa:


Người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt cũng phải được bảo đảm quyền bào chữa (Điều 72); Trợ giúp viên pháp lý bào chữa cho người bị buộc tội thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý theo quy định tại Điều 10 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006 và Điều 2 Nghị định 07/2007/NĐ-CP ngày 12/01/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý); Thay thế quy định cấp giấy chứng nhận người bào chữa bằng thủ tục đăng ký bào chữa (Điều 78).
Đặc biệt, theo quy định tại Điều 73 BLTTHS 2015, người bào chữa được luật bổ sung cơ chế nhằm thực hiện các quyền, sau: (i) Gặp người bị buộc tội đang bị bắt, tạm giữ, tạm giam, thủ tục giao nộp chứng cứ, thủ tục đọc, ghi chép, sao chụp tài liệu trong hồ sơ vụ án; (ii) Có mặt khi lấy lời khai của người bị bắt, cụ thể: Sau mỗi lần lấy lời khai, hỏi cung của người có thẩm quyền kết thúc thì người bào chữa có thể hỏi người bị bắt, bị tạm giữ, bị can; (iii) Được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng báo trước về thời gian, địa điểm lấy lời khai, hỏi cung; (iv) Có mặt trong hoạt động đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói và hoạt động điều tra khác theo quy định của Bộ luật này, như hoạt động thực nghiệm điều tra; (v) Thu thập chứng cứ; kiểm tra, đánh giá và trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá; (vi) Đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thu thập chứng cứ, giám định bổ sung, giám định lại, định giá lại tài sản; (vii) Đề nghị thay đổi, huỷ bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế.

Ngoài ra, theo Điều 81 BLTTHS 2015 quyền thu thập chứng cứ của người bào chữa và cách thức người bào chữa thu thập chứng cứ, gồm: gặp thân chủ, bị hại, người làm chứng, những người biết về vụ án để hỏi và nghe họ trình bày về những vấn đề liên quan đến vụ án; đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử và các tình tiết liên quan đến việc bào chữa.

Bên cạnh đó, một quy định được coi là có lợi cho người bị buộc tội, đó là người thân thích của người bị buộc tội có quyền mời người bào chữa. Đồng thời, quy định cụ thể thủ tục và trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, cơ quan quản lý người bị tạm giữ, tạm giam khi tiếp nhận được yêu cầu nhờ người bào từ người buộc tội phải chuyển yêu cầu này hoặc thông báo cho người bào chữa được họ nhờ biết; có trách nhiệm tạo điều kiện cho người bào chữa liên hệ với người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam để thỏa thuận về việc nhờ bào chữa.

Theo Điều 76 của Bộ luật này, cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền bắt buộc mời người bào chữa cho bị can, bị cáo về tội theo khung hình phạt có mức cao nhất là20 năm,tù chung thân,tử hình;

- Quy định về những việc cần làm ngay sau khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp,bắt người hoặc nhận người bị giữ, bị bắt:

Điều 114 BLTTHS 2015 quy định rõ những việc cần làm ngay sau khi bắt người hoặc nhận người bị bắt; trách nhiệm của cơ quan bắt hoặc nhận người bị bắt trong trường hợp truy nã; trách nhiệm của cơ quan đã ra quyết định truy nã. Nội dung các quy định này là pháp điển hóa Mục 4 Thông tư liên tịch 05/2005/TTLT- VKSNDTC-BCA-BQP ngày 07/9/2005 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao – Bộ Công an – Bộ Quốc phòng về quan hệ phối hợp giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát trong việc thực hiện một số quy định của BLTTHS 2003.

- Các quy định về căn cứ tạm giam và thời hạn tạm giam:

Điều 119 và Điều 173 BLTTHS 2015 quy định chặt chẽ căn cứ tạm giam đối với bị can, bị cáo bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về các tội nghiêm trọng,ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt chính là phạt tù trên 2 năm thì việc tạm giam chỉ có thể được áp dụng khi thuộc các trước hợp sau đây: (i) Đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác nhưng vi phạm; (ii) Không có nơi cứ trú rõ ràng hoặc không xác định được lý lịch của bị can; (iii) Bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã hoặc có dấu hiệu bỏ trốn; (iv) Tiếp tục phạm tội hoặc có dấu hiệu tiếp tục phạm tội; (v) Có hành vi mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm và người thân thích của những người này.

Ngoài ra, chỉ có thể tạm giam bị can, bị cáo bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về tội phạm ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định mức phạt tù đến 2 năm nếu họ tiếp tục phạm tội hoặc bỏ trốn và bị bắt theo lệnh truy nã.

Trong giai đoạn điều tra, luật đã rút ngắn thời hạn tạm giam 1 tháng đối với tội ít nghiêm trọng; 2 tháng đối với tội rất nghiêm trọng. Đồng thời, để đáp ứng yêu cầu đấu tranh với các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, BLTTHS 2015 cho phép gia hạn tạm giam đến khi kết thúc điều tra nhưng để bảo đảm chặt chẽ, tránh lạm dụng, thẩm quyền gia hạn tạm giam trong trường hợp này chỉ thuộc Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

- Quy định về các biện pháp ngăn chặn thay thế biện pháp tạm giam.

Mọi biện pháp hạn chế quyền con người, quyền công dân được ràng buộc chặt chẽ hơn về thời hạn, BLTTHS 2015 đã quy định rõ ràng hơn về các biện pháp ngăn chặn thay thế biện pháp tạm giam. Việc áp dụng các quy định này cơ bản thỏa mãn điều kiện có lợi cho người bị buộc tội do đã cụ thể, minh bạch thời hạn áp dụng; theo đó, thời hạn áp dụng các biện pháp này không được quá thời hạn điều tra, truy tố, xét xử; đối với người bị kết án phạt tù thì không quá thời hạn kể từ khi tuyên án cho đến thời điểm người đó đi chấp hành án phạt tù; cụ thể: Đối với biện pháp bảo lĩnh (Điều 121), mở rộng đối tượng nhận bảo lĩnh (cơ quan, tổ chức, cá nhân), cụ thể hơn về điều kiện nhận bảo lĩnh; quyền của các đối tượng nhận bảo lĩnh; Đối với biện pháp đặt tiền để bảo đảm (Điều 122), mở rộng đối tượng đặt tiền để bảo đảm; để dễ dàng thực hiện nhà làm luật chỉ quy định đặt tiền.

- Các quy định về biện pháp cưỡng chế:

Theo nguyên tắc áp dụng có lợi cho người bị buộc tội đã nêu, Điều 127 BLTTHS 2015 quy định về biện pháp áp giải, dẫn giải các đối tượng, trong đó có đối tượng người bị buộc tội. Đặc biệt, khi áp dụng biện pháp phong tỏa tài khoản; kê biên tài sản phải bảo đảm việc tôn trọng và bảo vệ lợi ích hợp pháp của người bị buộc tội . Ngoài ra, Điều 130 của Bộ luật này có quy định rõ các trường hợp hủy bỏ biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản theo hướng minh bạch hơn.

- Quy định về thủ tục lập biên bản và ký biên bản tố tụng trong các trường hợp người tham gia tố tụng không biết chữ hoặc có nhược điểm về thể chất, tâm thần mà không thể ký vào biên bản:

Theo Điều 133 BLTTHS 2015, trường hợp người tham gia tố tụng không biết chữ thì người lập biên bản đọc biên bản cho họ nghe với sự có mặt của người chứng kiến. Biên bản phải có điểm chỉ của người tham gia tố tụng và chữ ký của người chứng kiến. Trường hợp người tham gia tố tụng có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc vì lý do khác mà không thể ký vào biên bản thì người lập biên bản đọc biên bản cho họ nghe với sự có mặt của người chứng kiến và những người tham gia tố tụng khác. Biên bản phải có chữ ký của người chứng kiến.

- Quy định về giám định:

Theo đó, trách nhiệm của cơ quan trưng cầu giám định trong thời hạn 24 giờ phải gửi quyết định trưng cầu giám định và kết luận giám định cho Viện kiểm sát, trong thời hạn 7 ngày phải thông báo kết luận giám định cho người tham gia tố tụng; thành phần và thủ tục giám định bổ sung và giám định lại; bổ sung cơ chế nhằm giải quyết xung đột giữa các kết luận giám định; theo đó, quy định trong trường hợp đặc biệt, Viện trưởng VKSND tối cao, Chánh án TAND tối cao có quyền quyết định giám định lại và kết luận giám định trong trường hợp này có hiệu lực để giải quyết vụ án. Đặc biệt là quy định cụ thể về thời hạn giám định (Điều 208 BLTTHS 2015)

- Quy định về định giá tài sản:

Yêu cầu định giá tài sản, thời hạn định giá tài sản, tiến hành định giá tài sản, định giá lại tài sản, định giá lại tài sản trong trường hợp tài sản bị thất lạc hoặc không còn, định giá lại tài sản trong trường hợp đặc biệt, kết luận định giá tài sản, quyền của bị can, bị cáo, bị hại, người tham gia tố tụng khác đối với kết luận định giá tài sản.

- Các quy định đối với cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng:

Những thẩm quyền có tính chất quyết định việc “đóng, mở” một giai đoạn tố tụng, những thẩm quyền liên quan đến việc hạn chế quyền con người, quyền công dân thì giao cho Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Viện trưởng Viện kiểm sát quyết định. Còn những thẩm quyền có tính chất phát hiện hoặc làm sáng tỏ sự thật vụ án giao cho Điều tra viên, Kiểm sát viên trực tiếp quyết định. Từ đó thúc đẩy quá trình giải quyết vụ án khẩn trương, chính xác, đề cao trách nhiệm đầy đủ của từng chức danh tố tụng, đồng thời, bảo đảm thận trọng, chặt chẽ trong kiểm soát hoạt động tố tụng, phù hợp với mặt bằng năng lực các chức danh tư pháp hiện nay.

- Quy định về các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt:

Để cụ thể hóa yêu cầu của Hiến pháp năm 2013 “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật…”, tạo cơ sở pháp lý để thực thi các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, BLTTHS năm 2015 quy định cụ thể các biện pháp được phép áp dụng bao gồm: ghi âm, ghi hình bí mật; nghe điện thoại bí mật; thu thập bí mật dữ liệu điện tử; quy định chặt chẽ các trường hợp áp dụng chỉ đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm về ma túy, tội phạm về tham nhũng, tội khủng bố, tội rửa tiền và các tội phạm khác có tổ chức thuộc loại tội đặc biệt nghiêm trọng;về thẩm quyền áp dụng phải có quyết định của Thủ trưởng Cơ quan điều tra cấp tỉnh trở lên và được Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn; về thời hạn áp dụng không quá 02 tháng, trường hợp đặc biệt có thể gia hạn nhưng không quá thời hạn điều tra; quy định cho phép sử dụng làm chứng cứ đối với những thông tin, tài liệu thu thập từ biện pháp điều tra đặc biệt; đồng thời, quy định nghiêm ngặt việc sử dụng các thông tin, tài liệu nhằm bảo vệ bí mật riêng tư của các cá nhân, tổ chức.

Tóm lại:
BLTTHS 2015 có nhiều quy định tiến bộ, thể chế hóa đầy đủ các chủ trương cải cách tư pháp của Đảng và Hiến pháp năm 2013, tăng cường hơn nữa trách nhiệm của các cơ quan tố tụng trong việc bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Nhưng để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người bị buộc tội, theo hướng áp dụng các quy định có lợi cho người bị buộc tội theo tinh thần quy định của các Nghị quyết của Quốc hội khóa XIII như đã trình bày ở trên, rất cần sự hướng dẫn thống nhất nhận thức và áp dụng bằng văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về nội dung này.

Luật gia Nguyễn Thị Bích Phượng - Phòng tư vấn pháp luật trực tuyến - Công ty Luật TNHH Everest, tổng hợp

Khuyến nghị:
  1. Bài viết được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị đây chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 19006198, E-mail: [email protected], [email protected].