Thừa kế là việc thực thi chuyển giao tài sản, lợi ích, nợ nần, các quyền, nghĩa vụ từ một người đã chết sang một cá nhân nào đó. Thừa kế có vai trò quan trọng từ rất lâu trong xã hội loài người và cho đến tận bây giờ.
Theo quy định tại Điều 609 Bộ luật dân sự 2015, “Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật, hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật”. Ngoài ra, người thừa kế không là cá nhân cũng có quyền hưởng di sản theo di chúc.
Phần quy định chung về thừa kế được quy định từ Điều 609 đến điều 623 của Bộ luật dân sự 2015. Trong đó nêu nên tinh thần của Bộ luật dân sự 2015 đối với thừa kế như sau:
Thứ nhất, không phân biệt đối xử trong việc để lại và hưởng thừa kế
Theo quy định tại Điều 610 - Quyền bình đẳng về thừa kế của cá nhân
“Mọi cá nhân đều bình đẳng về quyền để lại tài sản của mình cho người khác và quyền hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật”
Như vậy, việc thừa kế đảm bảo nguyên tắc tôn trọng quyền bình đẳng giữa các cá nhân trong đối với quyền để lại tài sản và quyền hưởng di sản theo di chúc. Do vậy, cá nhân có quyền như nhau không phân biệt giới tính, sắc tộc, tôn giáo, tín ngưỡng,…
Thứ hai, thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại
Theo quy định tại Điều 615 – Thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại
“1- Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.- 2. Trường hợp di sản chưa được chia thì nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được người quản lý di sản thực hiện theo thỏa thuận của những người thừa kế trong phạm vi di sản do người chết để lại.- 3. Trường hợp di sản đã được chia thì mỗi người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.- 4. Trường hợp người thừa kế không phải là cá nhân hưởng di sản theo di chúc thì cũng phải thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại như người thừa kế là cá nhân.”
Như vậy, việc thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại được pháp luật đảm bảo. Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ tài sản do người chết để lại và không được từ chối. Điều này giúp đảm bảo quyền và lợi ích của cá nhân có liên quan không bị mất khi có sự kiện một cá nhân bị chết, góp phần bảo đảm sự ổn định của xã hội.
Thứ ba, tôn trọng ý nguyện của người nhận di sản
Theo quy định tại Điều 620 – Từ chối nhận di sản
“-1. Người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản, trừ trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác. - 2. Việc từ chối nhận di sản phải được lập thành văn bản và gửi đến người quản lý di sản, những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản để biết. - 3. Việc từ chối nhận di sản phải được thể hiện trước thời điểm phân chia di sản.”
Như vậy, pháp luật cũng cho phép người thừa kế từ chối nhận di sản một cách chính đáng. Từ đó, thể hiện sự tôn trọng ý nguyện của người nhận di sản của pháp luật Việt Nam.
Thứ tư, việc hưởng di sản phải phù hợp với đạo đức xã hội
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 621 – Người không được quyền hưởng di sản
1. Những người sau đây không được quyền hưởng di sản: - a) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó; - b) Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản; - c) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng; - d) Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, hủy di chúc, che giấu di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản.
Quy định này thể hiện nguyên tắc “pháp luật phải dựa trên đạo đức” của pháp luật Việt Nam. Bộ luật dân sự 2015 liệt kê các trường hợp không được quyền hưởng di sản. Những trường hợp này vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ cấp dưỡng hoặc ngược đãi, xâm phạm nghiêm trọng người để lại di sản hoặc người thừa kế khác,… Tuy nhiên tại Khoản 2 Điều 621, những người này vẫn được hưởng di sản nếu người để lại di sản đã biết hành vi của những người đó những vẫn cho họ hưởng di sản theo di chúc.
Thứ năm, quy định về các chế định khác
Việc quy định rõ các chế định khác giúp cho quá trình chia thừa kế được giải quyết một cách rõ ràng, thuận tiện hơn. Ở phần quy định chung về thừa kế có các chế định khác bao gồm: thời điểm, địa điểm mở thừa kế (Điều 611), di sản (Điều 612), người thừa kế (Điều 613), thời điểm phát sinh quyền và nghĩa vụ của người thừa kế (Điều 614), người quản lý di sản (Điều 616, 617, 618),…
Bài viết được thực hiện bởi: Luật gia Nguyễn Sỹ Việt - Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn pháp luật (24/7): 1900 6198
Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:
- Bài viết nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
- Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
- Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: [email protected].
Bình luận