-->

Phát hiện hàng hóa có khuyết tật, xử lý như thế nào?

Khi phát hiện hàng hóa có khuyết tật, tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hàng hóa có trách nhiệm: Kịp thời tiến hành mọi biện pháp cần thiết để ngừng việc cung cấp hàng hóa có khuyết tật; Thông báo công khai về hàng hóa có khuyết tật...

Hỏi: Công ty tôi sản xuất máy tính bảng. Vừa qua, công ty tôi bán ra thị trường một loại máy tính bảng đa năng. Sau một thời gian ngắn, công ty tôi phát hiện loại máy mới này có lỗi pin, nếu người dùng để pin xuống dưới mức 10% sẽ bị nổ. Đề nghị Luật sư tư vấn, công ty tôi phải xử lý tình huống này như thế nào? (Phan Minh Quyết - Hải Phòng)



>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Luật gia Nguyễn Thị Tâm - Tổ tư vấn pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:

Điều 22 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 quy định trách nhiệm thu hồi hàng hóakhuyết tật như sau: “Khi phát hiện hàng hóa có khuyết tật, tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hàng hóa có trách nhiệm: 1. Kịp thời tiến hành mọi biện pháp cần thiết để ngừng việc cung cấp hàng hóa có khuyết tật trên thị trường; 2. Thông báo công khai về hàng hóa có khuyết tật và việc thu hồi hàng hóa đó ít nhất 05 số liên tiếp trên báo ngày hoặc 05 ngày liên tiếp trên đài phát thanh, truyền hình tại địa phương mà hàng hóa đó được lưu thông với các nội dung sau đây: a) Mô tả hàng hóa phải thu hồi; b) Lý do thu hồi hàng hóa và cảnh báo nguy cơ thiệt hại do khuyết tật của hàng hóa gây ra; c) Thời gian, địa điểm, phương thức thu hồi hàng hóa; d) Thời gian, phương thức khắc phục khuyết tật của hàng hóa; đ) Các biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong quá trình thu hồi hàng hóa; 3. Thực hiện việc thu hồi hàng hóa có khuyết tật đúng nội dung đã thông báo công khai và chịu các chi phí phát sinh trong quá trình thu hồi; 4. Báo cáo kết quả cho cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cấp tỉnh nơi thực hiện thu hồi hàng hóa có khuyết tật sau khi hoàn thành việc thu hồi; trường hợp việc thu hồi hàng hóa có khuyết tật được tiến hành trên địa bàn từ hai tỉnh trở lên thì báo cáo kết quả cho cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở trung ương”.

Điều 76 Nghị định 185/2013/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 15 tháng 11 năm 2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt đồng bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng như sau: “1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với thương nhân sản xuất, nhập khẩu hàng hóa có khuyết tật có một trong các hành vi vi phạm sau đây: a) Không tiến hành biện pháp cần thiết để ngừng việc cung cấp hàng hóa có khuyết tật trên thị trường; b) Không thực hiện đúng việc thu hồi hàng hóa có khuyết tật theo nội dung đã thông báo công khai hoặc không thanh toán các chi phí phát sinh trong quá trình thu hồi. 2. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với thương nhân sản xuất, nhập khẩu hàng hóa có khuyết tật có một trong các hành vi vi phạm sau đây: a) Không thông báo công khai về hàng hóa khuyết tật và việc thu hồi hàng hóa đó theo quy định; b) Không báo cáo kết quả thu hồi hàng hóa có khuyết tật cho cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo quy định. 3. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc thu hồi hàng hóa có khuyết tật đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này”.

Như vậy , theo quy định của pháp luật, khi phát hiện hàng hóa có khuyết tật, công ty anh (tổ chức sản xuất hàng hóa) có trách nhiệm: kịp thời tiến hành mọi biện pháp cần thiết để ngừng việc cung cấp hàng hóa có khuyết tật trên thị trường; thông báo công khai về hàng hóa có khuyết tật và việc thu hồi hàng hóa đó ít nhất 05 số liên tiếp trên báo ngày hoặc 05 ngày liên tiếp trên đài phát thanh, truyền hình tại địa phương mà hàng hóa đó được lưu thông; Thực hiện việc thu hồi hàng hóa có khuyết tật đúng nội dung đã thông báo công khai và chịu các chi phí phát sinh trong quá trình thu hồi… Nếu công ty anh không tiến hành các biện pháp cần thiết trên thì có thể bị phạt tiền và bắt buộc phải thực hiện biên pháp khắc phục hậu quả.

Khuyến nghị:
  1. Để có tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198.
  2. Nội dung tư vấn pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.