Luật sư tư vấn việc phân chia lợi nhuận trong công ty liên doanh nước ngoài.
Hỏi: Công ty A là công ty liên doanh nước ngoài và Việt Nam, gồm các thành viên như sau - Người nước ngoài: cổ phần chiếm 51%; Công ty Việt Nam B: cổ phần chiếm 25%; Người Việt Nam: cổ phần chiếm 24%. Ngoài tỷ lệ góp vốn điều lệ là 25% như trên thì có góp thêm 1 số tiền góp vốn khác. Như vậy, khi tiến hành tính và phân chia lợi nhuận cho các thành viên thì tỷ lệ sẽ được tính như thế nào? (Vĩnh An - Hà Giang)
Luật gia Nguyễn Thành Đạt - Tổ tư vấn pháp luật doanh nghiệp - Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:
Theo quy định tại Luật đầu tư 2014 thì có nhiều hình thức đầu tư như đầu tư thành lập tổ chức kinh tế; đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế. Với câu hỏi của bạn, chúng tôi xin được chia ra hai trường hợp như sau:
Trường hợp 1: Hoạt động đầu tư được thực hiện dưới hình thức thành lập tổ chức kinh tế.
Điều 22 Luật đầu tư năm 2014 quy định về đầu tư thành lập tổ chức kinh tế như sau:
"1. Nhà đầu tư được thành lập tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật. Trước khi thành lập tổ chức kinh tế, nhà đầu tư nước ngoài phải có dự án đầu tư, thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định tại Điều 37 của Luật này và phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ quy định tại khoản 3 Điều này;
b) Hình thức đầu tư, phạm vi hoạt động, đối tác Việt Nam tham gia thực hiện hoạt động đầu tư và điều kiện khác theo quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
2. Nhà đầu tư nước ngoài thực hiện dự án đầu tư thông qua tổ chức kinh tế được thành lập theo quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp hoặc đầu tư theo hợp đồng.
3. Nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu vốn điều lệ không hạn chế trong tổ chức kinh tế, trừ các trường hợp sau đây:
a) Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại công ty niêm yết, công ty đại chúng, tổ chức kinh doanh chứng khoán và các quỹ đầu tư chứng khoán theo quy định của pháp luật về chứng khoán;
b) Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa hoặc chuyển đổi sở hữu theo hình thức khác thực hiện theo quy định của pháp luật về cổ phần hóa và chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước;
c) Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài không thuộc quy định tại điểm a và điểm b khoản này thực hiện theo quy định khác của pháp luật có liên quan và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên".
Như vậy, nếu đầu tư dưới hình thức thành lập tổ chức kinh tế thì quyền và nghĩa vụ của các thànhviên góp vốn cũng như việc phân chia lợi nhuận sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật tương ứng với từng loại hình tổ chức kinh tế được thành lập, cụ thể:
- Đối vớiCông ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên thìthành viên Hội đồng thành viên được chia lợi nhuận tương ứng với phần vốn góp sau khi công ty đã nộp đủ thuế và hoàn thành các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật (Khoản 3Điều 50 Luật doanh nghiệp 2014).
- Đối với Công ty cổ phần thì cổ đông được nhận cổ tức với mức theo quyết định của Đại hội đồng cổ đông (Điểm b Khoản 1Điều 114 Luật doanh nghiệp 2014).
Trường hợp 2: Hoạt động đầu tư được thực hiện theo hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC)
Điều 28 Luật đầu tư năm 2014 quy định về đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC như sau:
"1. Hợp đồng BCC được ký kết giữa các nhà đầu tư trong nước thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự.
2. Hợp đồng BCC được ký kết giữa nhà đầu tư trong nước với nhà đầu tư nước ngoài hoặc giữa các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định tại Điều 37 của Luật này.
3. Các bên tham gia hợp đồng BCC thành lập ban điều phối để thực hiện hợp đồng BCC. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của ban điều phối do các bên thỏa thuận"
Điều 29Luật đầu tư năm 2014 quy định về nội dung hợp đồng BCC như sau:
"1. Hợp đồng BCC gồm những nội dung chủ yếu sau đây:
a) Tên, địa chỉ, người đại diện có thẩm quyền của các bên tham gia hợp đồng; địa chỉ giao dịch hoặc địa chỉ nơi thực hiện dự án;
b) Mục tiêu và phạm vi hoạt động đầu tư kinh doanh;
c) Đóng góp của các bên tham gia hợp đồng và phân chia kết quả đầu tư kinh doanh giữa các bên;
d) Tiến độ và thời hạn thực hiện hợp đồng;
đ) Quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng;
e) Sửa đổi, chuyển nhượng, chấm dứt hợp đồng;
g) Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng, phương thức giải quyết tranh chấp.
2. Trong quá trình thực hiện hợp đồng BCC, các bên tham gia hợp đồng được thỏa thuận sử dụng tài sản hình thành từ việc hợp tác kinh doanh để thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp.
3. Các bên tham gia hợp đồng BCC có quyền thỏa thuận những nội dung khác không trái với quy định của pháp luật".
Trường hợp đầu tư theo hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC) thì không phải thành lập doanh nghiệp. Việc chia lợi nhuận sẽ được thực hiện theo sự thỏa thuận của các bên vì về bản chất thì hợp đồng là sự thỏa thuận của các bên, pháp luật tôn trọng sự thỏa thuận này với điều kiện thỏa thuận không trái với quy định của pháp luật.
Khuyến nghị:
- Để có tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198.
- Nội dung tư vấn pháp luật doanh nghiệp mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận