Kế thừa và mở rộng các quy định về xóa án tích từ các văn bản luật hình sự trước đây, Bộ luật Hình sự 2015 tiếp thu các ý kiến, bổ sung và sửa đổi để phù hợp hơn với nền kinh tế, chế độ chính trị, cũng như đời sống xã hội phức tạp hiện nay.
Bộ luật Hình sự năm
2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 có hiệu
lực vào 01/01/2018 tới đây (sau đây gọi tắt là BLHS 2015) được đánh giá là có nhiều điểm mới trong các quy định về xóa án tích, theo hướng có lợi cho các đối tượng đã từng phạm tội.
Bên cạnh những chính
sách khoan hồng của pháp luật và nhà nước, thì các quy định về xóa án
tích cũng là một trong những nguyên tắc thể hiện sự nhân đạo của pháp
luật, sự tôn trọng quyền con người. Mặc dù pháp luật nghiêm minh, nhưng
vẫn tạo điều kiện để người đã từng phạm tội có cơ hội, động lực được cải
tạo, hướng thiện, hướng đến cuộc sống tốt đẹp, văn minh; điều này có ý
nghĩa quan trọng đối với một đất nước có đặc thù về kinh tế đang trong
thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, địa hình không đồng đều và sự đa
dạng về các nền văn hóa dân tộc thiểu số như nước ta, với một phần lớn
dân số có trình độ hiểu biết khoa học - xã hội, pháp luật hạn hẹp, thậm
chí nhiều nơi dân cư không hề biết về sự tồn tại của pháp luật.
Một là, cách hiểu về án tích trong BLHS 2015.
Kế thừa nội dung của các văn bản luật hình sự tiền nhiệm, thì khái niệm xóa án tích trong BLHS 2015 được định nghĩa như sau:
“1- Người bị kết án được xóa án tích theo quy định tại các điều từ Điều 70 đến Điều 73 của Bộ luật này.
Người được xóa án tích coi như chưa bị kết án." (Điều 69)
Khái niệm về xóa án tích này không thay đổi so với BLHS 1999 (sửa đổi bổ sung năm 2009). Tuy nhiên, điều mà BLHS 2015 được cho là tiến bộ hơn so với văn bản BLHS 1999 là sự rõ ràng, chi tiết hơn, bao quát hơn, và phù hợp với sự phát triển của cơ sở kinh tế - chính trị, xã hội hiện nay.
Hai là, những điểm mới của BLHS 2015 so với BLHS 1999.
Những điểm mới của BLHS 2015 so với BLHS 1999 bao gồm:
Thứ nhất, năm trường hợp bị kết án nhưng không được coi là có án tích bao gồm:
1- Người bị kết án do lỗi vô ý về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng và người được miễn hình phạt không bị coi là có án tích. (Điều 69)
2- Người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi phạm tội bất kỳ. (Điều 107);
3- Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị kết án về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng hoặc tội phạm rất nghiêm trọng do vô ý; (Điều 107)
4- Người dưới 18 tuổi bị kết án, bị áp dụng biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng. (Điều 107);
5- Người được miễn hình phạt (Điều 69).
Thứ hai, người được miễn hình phạt được coi là người không có án tích (không thuộc nhóm đương nhiên được xóa án tích theo BLHS 1999).
Thứ ba, về thẩm quyền cấp chứng nhận xóa án tích cho các đối tượng đương nhiên được xóa án tích trong BLHS 2015 đã được chuyển giao cho cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp (LLTP) mà không phải Tòa án cấp Giấy chứng nhận xóa án tích và Quyết định xóa án tích như trong BLHS năm 1999 nữa.
Thứ tư, điểm quan trọng và nổi bật trong BLHS 2015 so với BLHS 1999 là về thời hạn để xóa án tích đã được giảm xuống, có lợi hơn cho người phạm tội. Theo đó:
Đối với trường hợp đương nhiên xóa án tích là 01 năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng được hưởng án treo; 02 năm trong trường hợp bị phạt tù đến 05 năm; 03 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm; 05 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình (nhưng đã được giảm án). Trường hợp xóa án tích theo quyết định của Tòa án (các trường hợp phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội phá hoại hòa bình, tội phạm chống loài người, tội phạm chiến tranh): 03 năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 05 năm; 05 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm; 07 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 15 năm, tù chung chân hoặc tử hình (nhưng đã được giảm án).
Thứ năm, về cách tính thời hạn để xóa án tích:
Nếu trong BLHS 1999 quy định: “Nếu chưa được xoá án tích mà phạm tội mới, thì thời hạn để xoá án tích cũ tính từ ngày chấp hành xong bản án mới” (Điều 67 BLHS 1999), thì BLHS 2015 quy định: “Người bị kết án chưa được xóa án tích mà thực hiện hành vi phạm tội mới và bị Tòa án kết án bằng bản án có hiệu lực pháp luật thì thời hạn để xóa án tích cũ được tính lại kể từ ngày chấp hành xong hình phạt chính hoặc thời gian thử thách án treo của bản án mới hoặc từ ngày bản án mới hết thời hiệu thi hành” (Điều 73).
Cụm từ “phạm tội mới” trong luật cũ được thay thế bằng “thực hiện hành vi phạm tội mới”.
Thứ sáu, BLHS 2015 đã đưa thêm quy định về xóa án tích đối với pháp nhân thương mại trong Điều 89 như sau: “Pháp nhân thương mại bị kết án đương nhiên được xóa án tích nếu trong thời hạn 02 năm kể từ khi chấp hành xong hình phạt chính, hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành bản án mà pháp nhân thương mại không thực hiện hành vi phạm tội mới”.
Đây được coi là một điểm tiến bộ so với BLHS 1999, phù hợp với hoàn cảnh nền kinh tế mở cửa và sự gia tăng số lượng pháp nhân như hiện nay.
Luật gia Nguyễn Liên - Phòng Tư vấn pháp luật trực tuyến của Công ty Luật TNHH Everest, tổng hợp.
Khuyến nghị:
- Để có tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198.
- Nội dung tư vấn pháp luật mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận