Bảo hộ sở hữu trí tuệ làm cho các tài sản vô hình “trở nên hữu hình hơn” bằng cách biến các tài sản đó thành tài sản độc quyền có giá trị mà có thể trao đổi trên thị trường.
Trong lịch sử, các nguồn lực của doanh nghiệp là các tài sản hữu hình như đất đai, nhà xưởng, máy móc và thiết bị. Tuy nhiên, ngày nay ngày càng có nhiều doanh nghiệp dựa vào tài sản vô hình để tạo dựng sức mạnh cạnh tranh trên thị trường, đặc biệt là nhãn hiệu, sáng chế, bí mật thương mại, quyền tác giả, kiểu dáng công nghiệp và các tài sản tương tự. Để thống kê, định giá các tài sản trên làm cơ sở cho việc góp vốn, mua bán, sáp nhập, nhượng quyền, li-xang... phương pháp kiểm toán sở hữu trí tuệ là biện pháp tối ưu nhất.
Cùng với những thành quả sáng tạo và đổi mới của nhân loại, sở hữu trí tuệ tồn tại ở mọi nơi xung quanh chúng ta. Mọi sản phẩm hay dịch vụ mà chúng ta sử dụng trong cuộc sống hằng ngày đều là kết quả của một chuỗi sáng tạo.
Hầu hết các doanh nghiệp vừa và nhỏ đều có tên thương mại hoặc sở hữu một hoặc nhiều nhãn hiệu và nên cân nhắc việc bảo hộ những đối tượng này. Hầu hết các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng có những thông tin kinh doanh bí mật có giá trị, ví dụ, đó có thể là danh sách khách hàng, các chiến lược bán hàng mà doanh nghiệp muốn bảo mật. Nhiều doanh nghiệp đã sáng tạo ra các kiểu dáng có tính sáng tạo nguyên gốc. Nhiều doanh nghiệp cũng soạn thảo hoặc công bố những ấn phẩm, tài liệu quảng cáo hoặc bán lẻ các tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả. Một số doanh nghiệp khác có thể có những sáng tạo hoặc cải tiến kỹ thuật đối với sản phẩm hoặc dịch vụ.
Trong tất cả các trường hợp nêu trên, doanh nghiệp của bạn cần xem xét cách thức tốt nhất để sử dụng hệ thống sở hữu trí tuệ nhằm phục vụ cho lợi ích của mình. Cần nhớ rằng quyền sở hữu trí tuệ có thể hỗ trợ doanh nghiệp của bạn từ mọi khía cạnh của việc phát triển kinh doanh và xây dựng chiến lược cạnh tranh: từ phát triển đến thiết kế sản phẩm, cung cấp dịch vụ đến tiếp thị và thu hút nguồn vốn tài chính đến việc xuất khẩu hoặc mở rộng hoạt động kinh doanh ra nước ngoài thông qua các hợp đồng li-xăng hoặc nhượng quyền kinh doanh (hay còn gọi là “franchising”).
Một là định nghĩa về kiểm toán sở hữu trí tuệ
Kiểm toán sở hữu trí tuệ là việc rà soát lại một cách có hệ thống các tài sản trí tuệ mà doanh nghiệp đang sở hữu, đang sử dụng hoặc tiếp nhận để đánh giá và quản lý các rủi ro, đưa ra các biện pháp giải quyết các vấn đề và áp dụng các kinh nghiệm tốt nhất trong quản lý tài sản trí tuệ.
Kiểm toán sở hữu trí tuệ giúp doanh nghiệp tạo ra danh mục các tài sản trí tuệ hiện có hoặc cập nhật các tài sản trí tuệ mới và cũng như phân tích:
- Tài sản trí tuệ được sử dụng và không được sử dụng như thế nào.
- Liệu các tài sản trí tuệ đang được doanh nghiệp sử dụng có thuộc sở hữu của người hoặc doanh nghiệp khác không.
- Liệu các tài sản trí tuệ này có xâm phạm quyền của người khác hoặc người khác có xâm phạm quyền đối với các tài sản này hay không.
- Và xác định, trên cơ sở các thông tin này, những hành động cần phải được thực hiện đối với từng tài sản trí tuệ hoặc danh mục các tài sản đó để phục vụ các mục tiêu kinh doanh có liên quan của doanh nghiệp.
Việc kiểm toán sở hữu trí tuệ giúp doanh nghiệp tìm ra các tài sản trí tuệ không được sử dụng hoặc được sử dụng chưa đủ, cũng như xác định các mối đe doạ đối với hoạt động chủ yếu của doanh nghiệp và cho phép các nhà quản lý doanh nghiệp đưa ra kế hoạch kinh doanh đúng đắn và các chiến lược về sở hữu trí tuệ nhằm duy trì và nâng cao vị thế cạnh tranh của doanh nghiệp trên các thị các trường có liên quan.
Hai là tác dụng của việc kiểm toán sở hữu trí tuệ
Ngày nay, kiểm toán sở hữu trí tuệ là một công cụ không thể thiếu được để quản lý thành công một doanh nghiệp dựa trên tri thức bằng cách trợ giúp quá trình tạo ra hoặc sửa đổi chiến lược sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp.
Kiểm toán sở hữu trí tuệ liên quan đến việc đánh giá toàn diện tài sản trí tuệ của doanh nghiệp, các hợp đồng và chính sách có liên quan và việc tuân thủ thủ tục được quy định.
Dưới đây là những ví dụ điển hình về công dụng của việc kiểm toán sở hữu trí tuệ trong các doanh nghiệp:
- Ở Hoa Kỳ, gần 40% giá trị của thị trường của một doanh nghiệp trung bình không được thể hiện trên bảng cân đối giá trị của thị trường;
- Ở Liên minh châu Âu, hơn một nửa các doanh nghiệp lớn không tính tài sản trí tuệ trong các cuộc kiểm toán nội bộ.
- Năm 2005, Công ty Qualcomm thu được khoảng 58% trong tổng số 5,7 tỉđôla Mỹ doanh thu từ việc bán thiết kế chip vô tuyến của Qualcomm nhưng được sản xuất bởi các bên thứ ba theo hợp đồng.
- Từ năm 1993, Công ty IBM thu được 1 tỷ đôla mỗi năm từ việc li-xăng các công nghệ không chủ chốt nếu không phải sẽ không được sử dụng.
- Ở Liên minh châu Âu, 36% số sáng chế được cấp bằng độc quyền không được sử dụng.
- Công ty Honeywell International sử dụng một Công ty con là Công ty Sở hữu trí tuệ Honeywell để quản lý danh mục tài sản trí tuệ. Gần đây, Công ty này đã được cấp li-xăng công nghệ LCD cho các đối thủ như Sanyo, LGC, Philips và Chungwa Picture Tubes.
- Năm 2000, Công ty Honeywell nhận về khoản bồi thường thiệt hại kỷ lục trị giá 127 triệu đôla Mỹ từ Công ty Minolta đối với công nghệ mà chính họ đã không được thương mại hóa được.
- 2% sáng chế được cấp bằng độc quyền được sử dụng làm cơ sở để thành lập doanh nghiệp mới.
- Năm 2002, Hàn Quốc xuất khẩu công nghệ trị giá 0,6 tỉ đôla Mỹ và nhập khẩu công nghệ trị giá 2,7 tỷ đôla Mỹ thông qua các hợp đồng li-xăng, hợp tác R&D và liên doanh.
- Từ năm 2002, Hàn Quốc đã tăng chi phí cho hoạt động R&D từ 2,6% GDP trong năm 1998 đến 3,4% GDP trong năm 2004.
- Ở New Zealand, các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) chiếm 37,3% GDP và có lợi nhuận cao nhất tính bình quân trên đầu nhân viên, nhưng hầu hết SME không nhận thức được giá trị của tài sản trí tuệ hoặc thực tế là họ không biết cách bảo vệ các tài sản trí tuệ của mình khi bị xâm phạm.
-Amazon với giá trị thương hiệu lên đến 150,8 tỷ USD dẫn đầu bảng trong10 thương hiệu giá trị nhất thế giới năm 2018.
- Doanh nghiệp Hoa Kỳ có tên là Texas Instruments kiếm được nhiều tiền hơn từ việc li-xăng các sáng chế không được sử dụng so với việc bán sản phẩm của mình.
- Các doanh nghiệp của Hoa Kỳ có trách nhiệm tín dụng đối với việc quản lý các quyền sở hữu trí tuệ và báo cáo giá trị thực của doanh nghiệp chứ không phải là giá trị trên sổ sách theo Đạo luật Giao dịch chứng khoán năm 1934.
- Một cuộc khảo sát của Liên minh châu Âu cho thấy 28% doanh nghiệp không có các điều khoản quy định về quyền sở hữu trong Hợp đồng tuyển dụng laođộng mẫu của họ.
- 50% doanh nghiệp của Liên minh châu Âu không có chiến lược quản lý các quyền sở hữu trí tuệ, ngoài việc nộp phí nộp đơn và phí gia hạn.
(Nguồn: http://www.piperpat.com)
Một điểm cực kỳ quan trọng của việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là nó biến những tài sản vô hình thành các quyền sở hữu độc quyền, dù chỉ trong một thời hạn nhất định. Việc bảo hộ sở hữu trí tuệ cho phép doanh nghiệp có được quyền sở hữu đối với các tài sản vô hình và khai thác tối đa tiềm năng của những tài sản này. Tóm lại, bảo hộ sở hữu trí tuệ làm cho các tài sản vô hình “trở nên hữu hình hơn” bằng cách biến các tài sản đó thành tài sản độc quyền có giá trị mà có thể trao đổi trên thị trường.
Luật gia Bùi Thị Phượng - Phòng Sở hữu trí tuệ của Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn 1900 6198, tổng hợp.
Khuyến nghị:
- Bài viết nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
- Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
- Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, E-mail: [email protected], [email protected].
Bình luận