Vấn đề xử lý đơn khởi kiện đã được quy định cụ thể tại Điều 167 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004. Theo đó, Toà án phải nhận đơn khởi kiện do đương sự nộp trực tiếp tại Toà án hoặc gửi qua bưu điện và phải ghi vào sổ nhận đơn.
Hỏi: Tôi gửi đơn khởi kiện vụ án dân sự tại TAND tỉnh Thái Bình qua đường bưu điện, để yêu cầu giải quyết tranh chấp thừa kế, nhưng không thấy trả lời của Tòa án. Sau đó, tôi đã tiếp tục có đơn đề nghị Tòa án giải quyết đơn khởi kiện, nhưng vẫn không có trả lời. Đề nghị Luật sư tư vấn, pháp luật quy định như thế nào về việc xử lý đơn khởi kiện dân sự của người dân. Trong trường hợp này, tôi phải làm gì để yêu cầu cơ quan chức năng bảo vệ quyền lợi của mình (Khổng Thị Thảo, Tây Sơn, Hà Nội) Luật sư Nguyễn Văn Sinh -Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội- trả lời:
Vấn đề xử lý đơn khởi kiện đã được quy định cụ thể tại Điều 167 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 (BLTTDS). Theo đó, Toà án phải nhận đơn khởi kiện do đương sự nộp trực tiếp tại Toà án hoặc gửi qua bưu điện và phải ghi vào sổ nhận đơn.
Trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Toà án phải xem xét và có một trong các quyết định sau đây: Tiến hành thủ tục thụ lý vụ án nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của mình; hoặc: Chuyển đơn khởi kiện cho Toà án có thẩm quyền và báo cho người khởi kiện, nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án khác; hoặc: Trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện, nếu việc đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án.Nếu quá thời hạn nêu trên, Tòa án không xem xét, xử lý đơn khởi kiện hoặc xử lý đơn khởi kiện không theo quy định nêu trên, là trái với pháp luật TTDS.
Nếu cho rằng có vi phạm trong thủ tục tố tụng dân sự, ảnh hưởng trực tiếp tới quyền và nghĩa vụ của mình, chị có thể thực hiện việc khiếu nại hành vi tố tụng dân sự theo quy định của BLTTDS, như sau:
Cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền khiếu nại quyết định, hành vi trong tố tụng dân sự của cơ quan, người tiến hành tố tụng dân sự khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình (khoản 1 Điều 391).
Thời hiệu khiếu nại là 15 (mười lăm) ngày, kể từ ngày người khiếu nại nhận được hoặc biết được quyết định, hành vi tố tụng mà người đó cho rằng có vi phạm pháp luật. Trong trường hợp có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan mà người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hạn quy định tại Điều này thì thời gian có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan đó không tính vào thời hiệu khiếu nại (Điều 394).
Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của Thư ký Toà án, Hội thẩm nhân dân, Thẩm phán, Phó Chánh án do Chánh án Toà án giải quyết trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại; nếu không đồng ý với kết quả giải quyết thì người khiếu nại có quyền khiếu nại đến Toà án cấp trên trực tiếp. Trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại, Toà án cấp trên trực tiếp phải xem xét, giải quyết. Toà án cấp trên trực tiếp có thẩm quyền giải quyết cuối cùng.
Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của Chánh án Toà án do Toà án cấp trên trực tiếp giải quyết trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại. Toà án cấp trên trực tiếp có thẩm quyền giải quyết cuối cùng. Quyết định giải quyết khiếu nại của Chánh án Toà án phải được gửi cho người khiếu nại và Viện kiểm sát cùng cấp (Điều 396).
Theo Báo Lao động, ngày 07.07.2011
Khuyến nghị:
- Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
- Nội dung bài tư vấn pháp luật tố tụng mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Tại thời điểm quý Vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận