NGƯỜI TỰ THÚ, ĐẦU THÚ CÓ ĐƯỢC HƯỞNG KHOAN HỒNG CỦA PHÁP LUẬT?

Bộ luật TTHS 2015 ra đời đã có nhiều đổi mới, cụ thể hóa tinh thần nâng cao hơn việc bảo vệ quyền con người, quyền công dân, trong đó tình tiết “đầu thú”, “tự thú” là một cơ sở đó có căn cứ áp dụng những nội dung có lợi hơn cho người phạm tội.

1. Tự thú và đầu thú là gì?

1.1. Tự thú là gì?

Theo Công văn số 81 ngày 10/6/2002 của Tòa án nhân dân Tối giải đáp các vấn đề nghiệp vụ đã hướng dẫn về tình tiết “tự thú”:

“Tự thú” là tự mình nhận tội và khai báo hành vi phạm tội của mình trong khi chưa ai phát hiện được mình phạm tội. Người nào bị bắt, bị phát hiện về một hành vi phạm tội cụ thể, nhưng trong quá trình điều tra đã tự mình nhận tội và khai ra những hành vi phạm tội khác của mình mà chưa bị phát hiện, thì cũng được coi là tự thú đối với việc tự mình nhận tội và khai ra những hành vi phạm tội của mình mà chưa bị phát hiện.

Như vậy, tự thú là người phạm tội chủ động tự khai ra hành vi phạm tội của mình với các nhà chức trách. Việc người phạm tội tự khai ra hành vi phạm tội của mình chính là biểu hiện sự ăn năn hối cải việc làm sai trái mà mình đã gây nên, do vậy đáng được khoan hồng, nhưng mức độ khoan hồng tới đâu thì lại phải căn cứ vào chính sách hình sự của Nhà nước.

1.2. Đầu thú là gì?

Theo Công văn số 81 ngày 10/6/2002 của Tòa án nhân dân Tối giải đáp các vấn đề nghiệp vụ đã hướng dẫn về tình tiết “đầu thú”:

“Đầu thú” là có người đã biết mình phạm tội, nhưng biết không thể trốn tránh được nên đến cơ quan có thẩm quyền trình diện để được cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật…

Để căn cứ mức độ giảm nhẹ của hành vi đầu thú thì còn phụ thuộc vào việc sau khi đầu thú người phạm tội có khai rõ ràng sự việc, góp phần hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm hay không, nếu người phạm tội khai không rõ ràng hoặc khai báo không đầy đủ thì mức độ giảm nhẹ ít hơn trường hợp khai báo rõ ràng và đầy đủ.

Cần phân biệt rõ ràng giữa đầu thú với đầu hàng. Đầu hàng là chịu thua. Vì vậy, nếu trường hợp một người phạm tội bị bao vây, không còn con đường nào khác mà phải ra hàng thì không được coi là tình tiết giảm nhẹ.


Xem thêm: Dịch vụ luật sư bào chữa trong vụ án hình sự của Công ty Luật TNHH Everest

2. Điểm giống và khác nhau giữa tự thú và đầu thú

2.1. Điểm giống nhau

Thứ nhất, cả hành vi đầu thú và tự thú đều được xem là các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại điểm r khoản 1, khoản 2 Điều 51 BLHS năm 2015 như sau:

Các tình tiết sau đây là các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:

[…]

r) Người phạm tội tự thú;

[…]

2. Khi quyết định hình phạt, Tòa án có thể coi đầu thú hoặc tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ lý do giảm nhẹ trong bản án.

Thứ hai, tự thú và đầu thú là hành động của người có hành vi phạm tội tự mình đến cơ quan chức năng trình diện và khai báo để nhận được xem xét, xử lý và mong nhận được sự khoan hồng theo quy định của pháp luật.

Thứ ba, người phạm tội mong muốn giải quyết vụ việc theo đúng pháp luật và đồng thời chủ động hợp tác, chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi sai phạm mà do mình đã gây ra.

2.2. Điểm khác nhau

Điểm phân biệt rõ giữa hành vi tự thú và đầu thú chính là mặt thời gian:

- Tự thú là việc mà người phạm tội tự nguyện khai báo với cơ quan, tổ chức về hành vi phạm tội của mình trước khi tội phạm bị phát hiện hoặc chưa ai phát hiện mình phạm tội.

- Trong khi đó, đầu thú là việc người phạm tội sau khi bị phát hiện đã tự nguyện ra trình diện và khai báo với cơ quan có thẩm quyền về hành vi phạm tội của mình.


Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực hình sự của Công ty Luật TNHH Everest

3. Quy định về tiếp nhận người tự thú, đầu thú

Quy định về tiếp nhận người tự thú, đầu thú được quy định tại Điều 152 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 như sau:

1. Khi người phạm tội đến tự thú, đầu thú, cơ quan, tổ chức tiếp nhận phải lập biên bản ghi rõ họ tên, tuổi, nghề nghiệp, chỗ ở và lời khai của người tự thú, đầu thú. Cơ quan, tổ chức tiếp nhận người phạm tội tự thú, đầu thú có trách nhiệm thông báo ngay cho Cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát.

2. Trường hợp xác định tội phạm do người tự thú, đầu thú thực hiện không thuộc thẩm quyền điều tra của mình thì Cơ quan điều tra tiếp nhận người tự thú, đầu thú phải thông báo ngay cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền để tiếp nhận, giải quyết.

3. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi tiếp nhận người phạm tội tự thú, đầu thú, Cơ quan điều tra có thẩm quyền phải thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp.

4. Nguyên tắc xử lý đối với người tự thú, đầu thú

Theo điểm d khoản 1 Điều 3 Bộ luật Hình sự 2015 quy định như sau:

d) Nghiêm trị người phạm tội dùng thủ đoạn xảo quyệt, có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, cố ý gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Khoan hồng đối với người tự thú, đầu thú, thành khẩn khai báo, tố giác đồng phạm, lập công chuộc tội, tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án, ăn năn hối cải, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại gây ra;

Cùng với việc quy định trừng trị nghiêm minh đối với những trường hợp phạm tội nguy hiểm thì BLHS cũng thể hiện rõ ràng chủ trương khoan hồng đối với người tự thú, đầu thú, thành khẩn khai báo, tố giác đồng phạm, lập công chuộc tội, tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án, ăn năn hối cải, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại gây ra nhằm làm giảm bớt tác hại của tội phạm, đồng thời có tác dụng phát hiện kịp thời, ngăn chặn và xử lý nhanh chóng, lập lại trật tự kỷ cương xã hội. Như vậy, “tự thú” và “đầu thú” chính là chính sách khoan hồng của pháp luật đối với cá nhân người phạm tội.