Nếu mắc bệnh tâm thần dẫn đến mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự; đối với người này, phải áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
Luật gia Phạm Văn Hùng - Tổ tư vấn pháp luật Hình sự Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:
Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009 (BLHS) quy định:
“Điều 13. Tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự: 1. Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự; đối với người này, phải áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. 2. Người phạm tội trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự, nhưng đã lâm vào tình trạng quy định tại khoản 1 Điều này trước khi bị kết án, thì cũng được áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, người đó có thể phải chịu trách nhiệm hình sự”.
Điều 104 BLHS quy định tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác
“1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm: a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người; b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân; c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người; d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ; đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình; e) Có tổ chức; g) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục; h) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê; i) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm; k) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.
2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
3. Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.
4. Phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân”.
Như vậy, chúng tôi trả lời câu hỏi của anh (chị) như sau:
Thứ nhất, người bị bệnh tâm thần có phải chịu TNHS không?
- Nếu mắc bệnh tâm thần dẫn đến mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự; đối với người này, phải áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. (Khoản 1 Điều 13).
- Nếu mới chỉ được xác nhận là mắc bệnh tâm thần mà chưa đến mức mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì người đó phải chịu trách nhiệm hình sự. Theo bạn trình bày thì người tâm thần dùng dao chém nhiều lần vào tay, vai, và cả mặt suýt mất mạng, nên đây là hành vi cấu thành tội phạm cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác. Người đó phải chịu TNHS về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác theo Điều 104 BLHS, với tình tiết tăng nặng là dùng hung khí nguy hiểm (con dao).
Thứ hai, về trách nhiệm chi trả chi phí chữa bệnh:
Điều 22 Bộ luật Dân sự năm 2005 (BLDS) quy định: Mất năng lực hành vi dân sự
“1. Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Toà án ra quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận của tổ chức giám định. Khi không còn căn cứ tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của chính người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan, Toà án ra quyết định huỷ bỏ quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự. 2. Giao dịch dân sự của người mất năng lực hành vi dân sự phải do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện”.
Do đó, nếu người tâm thần mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, đồng thời đã có quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự của Tòa án thì người đó được xem là mất năng lực hành vi dân sự. Do đó, trách nhiệm bồi thường thiệt hại (sức khỏe) được xác định theo Khoản 3 Điều 606 BLDS: 3. Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự gây thiệt hại mà có người giám hộ thì người giám hộ đó được dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường; nếu người được giám hộ không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường.
Thiệt hại cụ thể phải bồi thường bao gồm:
Điều 609. Thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm
“1. Thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm bao gồm: a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại; b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại; c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại. 2. Người xâm phạm sức khoẻ của người khác phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá ba mươi tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định”.
Tuy nhiên, nếu người tâm thần chưa có quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự của Tòa án thì người đó không được xem là mất năng lực hành vi dân sự. Do đó, trách nhiệm bồi thường thiệt hại (sức khỏe) được xác định theo Khoản 1, Khoản 2 Điều 606 BLDS:
“1. Người từ đủ mười tám tuổi trở lên gây thiệt hại thì phải tự bồi thường. 2. Người chưa thành niên dưới mười lăm tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu, trừ trường hợp quy định tại Điều 621 của Bộ luật này. Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình”.
Thứ ba, nếu không phải chịu trách nhiệm hình sự thì người đó có phải bắt buộc chữa bệnh tại bệnh viện cho đến khi khỏi bệnh không?
Khoản 1 Điều 43 BLHS quy định như sau:
“1. Đối với người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi mắc bệnh quy định tại khoản 1 Điều 13 của Bộ luật này, thì tùy theo giai đoạn tố tụng, Viện kiểm sát hoặc Tòa án căn cứ vào kết luận của Hội đồng giám định pháp y, có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh; nếu thấy không cần thiết phải đưa vào một cơ sở điều trị chuyên khoa, thì có thể giao cho gia đình hoặc người giám hộ trông nom dưới sự giám sát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”.
Thời gian bắt buộc chữa bệnh được quy định tại Điều 44 BLHS: “Căn cứ vào kết luận của cơ sở điều trị, nếu người bị bắt buộc chữa bệnh quy định tại Điều 43 của Bộ luật này đã khỏi bệnh, thì tuỳ theo giai đoạn tố tụng, Viện kiểm sát hoặc Tòa án xét và quyết định đình chỉ việc thi hành biện pháp này”.
Như vậy, căn cứ vào kết luận của Hội đồng giám định pháp y, cơ quan tố tụng có thể quyết định đưa người bị tâm thần vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh. Nếu xét thấy không cần thiết phải đưa vào một cơ sở điều trị chuyên khoa, thì cơ quan tố tụng có thể quyết định giao cho gia đình hoặc người giám hộ trông nom dưới sự giám sát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trường hợp người bị tâm thần được đưa vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh thì thời gian chữa bệnh kéo dài đến khi khỏi bệnh thì Viện kiểm sát hoặc Tòa án xét và quyết định đình chỉ việc thi hành biện pháp này.
Khuyến nghị:
- Để có tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198.
- Nội dung tư vấn pháp luật hình sự mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận