-->

Một số vấn đề cần lưu ý trong tranh chấp thừa kế

Tranh chấp thừa kế là những tranh chấp phát sinh từ xung đột giữa quyền và nghĩa vụ giữa những người có liên quan trong việc phân chia di sản thừa kế.

Những tranh chấp thừa kế cơ bản phát sinh trong việc phân chia di sản thừa kế theo pháp luật. Đương sự trong các vụ án về thừa kế thường có quan hệ huyết thống, hôn nhân, đây cũng chính là những yếu tố ảnh hưởng tới việc phân chia di sản thừa kế.

Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Về đặc điểm huyết thống

Huyết thống là cơ sở đầu tiên xác định và chi phối trong các quan hệ thừa kế, tranh chấp thừa kế, thể hiện trong các quy định pháp luật thừa kế như sau:

- Những người được hưởng thừa kế theo pháp luật, các hàng thừa kế theo thứ tự bao gồm:
"a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại." - Điều 651 BLDS năm 2015.

- Quy định về thừa kế thế vị trên quan hệ giữa ông, bà, cha, mẹ, cháu, chắt: "Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống."- Điều 652 BLDS năm 2015.

- Quy định về những người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc: Cha, mẹ, con chưa thành niên, con đã thành niên mà không có khả năng lao động:

"1.Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:

a) Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;

b) Con thành niên mà không có khả năng lao động". - Điều 644 BLDS năm 2015.

Về đặc điểm hôn nhân

Quan hệ hôn nhân là một cơ sở để xác định quan hệ giữa người thừa kế và người để lại di sản trong quan hệ tranh chấp thừa kế:

Theo quy định tại điểm a, khoản 1 Điều 651 BLDS năm 2015, người có quan hệ hôn nhân là: vợ/chồng thuộc hàng thừa kế thứ nhất.

Theo quy định tại Điều 655 BLDS năm 2015 về chia thừa kế trong trường hợp vợ, chồng đã chia tài sản chung, vợ chồng đang xin ly hôn hoặc đã kết hôn với người khác. Trong trường hợp nếu hôn nhân còn tồn tại thì người còn sống vẫn được hưởng thừa kế bất kể đã chia di sản chung, đã xin ly hôn mà chưa được Tòa án chấp thuận bằng một bản án hoặc quyết định chưa có hiệu lực pháp luật. Người đang là vợ, chồng tại thời điểm người đó chết thì dù sau đó đã kết hôn với người khác vẫn được hưởng di sản:"1- Trường hợp vợ, chồng đã chia tài sản chung khi hôn nhân còn tồn tại mà sau đó một người chết thì người còn sống vẫn được thừa kế di sản; 2-Trường hợp vợ, chồng xin ly hôn mà chưa được hoặc đã được Tòa án cho ly hôn bằng bản án hoặc quyết định chưa có hiệu lực pháp luật, nếu một người chết thì người còn sống vẫn được thừa kế di sản; 3-Người đang là vợ hoặc chồng của một người tại thời điểm người đó chết thì dù sau đó đã kết hôn với người khác vẫn được thừa kế di sản."

Khoản 1 Điều 644 BLDS năm 2015 quy định vợ/chồng thuộc những người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc: "Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó: a) Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;..."

Về quan hệ nuôi dưỡng

Quan hệ nuôi dưỡng là một trong các căn cứ được xem xét sau hai quan hệ huyết thống và hôn nhân, cụ thể là:

- Điểm a khoản 1 Điều 651 BLDS năm 2015 quy định: "a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết".

- Điều 652 về thừa kế thế vị.

- Điều 653: Con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi được thừa kế di sản của nhau và còn được thừa kế di sản theo quy định về thừa kế thế vị và theo hàng thừa kế.

Điều 654: "Con riêng và bố dượng, mẹ kế nếu có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con thì được thừa kế di sản của nhau và còn được thừa kế di sản theo quy định tại Điều 652 và Điều 653 của Bộ luật này".

Theo đó, con nuôi cũng được xem xét và cho hưởng quyền thừa kế như con đẻ, con riêng và bố dượng, mẹ kế cũng có thể được hưởng di sản theo quy định về hàng thừa kế và thừa kế thế vị trong trường hợp có quan hệ nuôi dưỡng, chăm sóc.

Việc xác định quan hệ cha nuôi, mẹ nuôi, con nuôi được căn cứ theo quy định trong Luật nuôi con nuôi năm 2010 như sau:
Điều 50: "1. Việc nuôi con nuôi giữa công dân Việt Nam với nhau trước ngày Luật này có hiệu lực mà chưa đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì được đăng ký trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày Luật này có hiệu lực, nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Các bên có đủ điều kiện về nuôi con nuôi theo quy định của pháp luật tại thời điểm phát sinh quan hệ nuôi con nuôi;

b) Đến thời điểm Luật này có hiệu lực, quan hệ cha, mẹ và con vẫn đang tồn tại và cả hai bên còn sống;

c) Giữa cha mẹ nuôi và con nuôi có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục nhau như cha mẹ và con.

2. Sau khi được đăng ký, quan hệ nuôi con nuôi quy định tại khoản 1 Điều này có giá trị pháp lý kể từ thời điểm phát sinh quan hệ nuôi con nuôi."

Về tài sản thừa kế - di sản

Tài sản thừa kế là những tài sản được quy định trong BLDS năm 2015 bao gồm: động sản, bất động sản, tiền, vật, giấy tờ có giá, quyền tài sản, hoa lợi lợi tức, tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai...

Về hàng thừa kế

Hàng thừa kế được quy định như đã trích dẫn phía trên xét theo quan hệ huyết thống và quan hệ hôn nhân, nuôi dưỡng, theo thứ tự xác định.

Về phân chia di sản

Việc phân chia di sản được thực hiện theo quy định trong BLDS năm 2015 về phân chia di sản theo di chúc, theo pháp luật, các trường hợp hạn chế phân chia di sản, phân chia di sản trong trường hợp có người thừa kế mới hoặc người thừa kế bị truất quyền thừa kế...

Phân chia di sản trong trường hợp có di chúc

"1. Việc phân chia di sản được thực hiện theo ý chí của người để lại di chúc; nếu di chúc không xác định rõ phần của từng người thừa kế thì di sản được chia đều cho những người được chỉ định trong di chúc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

2. Trường hợp di chúc xác định phân chia di sản theo hiện vật thì người thừa kế được nhận hiện vật kèm theo hoa lợi, lợi tức thu được từ hiện vật đó hoặc phải chịu phần giá trị của hiện vật bị giảm sút tính đến thời điểm phân chia di sản; nếu hiện vật bị tiêu hủy do lỗi của người khác thì người thừa kế có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại.

3. Trường hợp di chúc chỉ xác định phân chia di sản theo tỷ lệ đối với tổng giá trị khối di sản thì tỷ lệ này được tính trên giá trị khối di sản đang còn vào thời điểm phân chia di sản."

Phân chia di sản theo pháp luật

Phân chia di sản theo pháp luật được thực hiện trong các trường hợp:
  • Không có di chúc;
  • Di chúc không hợp pháp;
  • Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế;
  • Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Thừa kế theo pháp luật cũng được áp dụng đối với các phần di sản sau đây:
  • Phần di sản không được định đoạt trong di chúc;
  • Phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật;
  • Phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc, nhưng không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.
Việc phân chia di sản theo pháp luật được thực hiện theo các nguyên tắc sau:

1. Khi phân chia di sản, nếu có người thừa kế cùng hàng đã thành thai nhưng chưa sinh ra thì phải dành lại một phần di sản bằng phần mà người thừa kế khác được hưởng để nếu người thừa kế đó còn sống khi sinh ra được hưởng; nếu chết trước khi sinh ra thì những người thừa kế khác được hưởng.

2. Những người thừa kế có quyền yêu cầu phân chia di sản bằng hiện vật; nếu không thể chia đều bằng hiện vật thì những người thừa kế có thể thỏa thuận về việc định giá hiện vật và thỏa thuận về người nhận hiện vật; nếu không thỏa thuận được thì hiện vật được bán để chia.

Các trường hợp hạn chế phân chia di sản
  • Trường hợp theo ý chí của người lập di chúc hoặc theo thỏa thuận của tất cả những người thừa kế, di sản chỉ được phân chia sau một thời hạn nhất định thì chỉ khi đã hết thời hạn đó di sản mới được đem chia.
  • Trường hợp yêu cầu chia di sản thừa kế mà việc chia di sản ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của bên vợ hoặc chồng còn sống và gia đình thì bên còn sống có quyền yêu cầu Tòa án xác định phần di sản mà những người thừa kế được hưởng nhưng chưa cho chia di sản trong một thời hạn nhất định. Thời hạn này không quá 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn 03 năm mà bên còn sống chứng minh được việc chia di sản vẫn ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của gia đình họ thì có quyền yêu cầu Tòa án gia hạn một lần nhưng không quá 03 năm.
Quyền hưởng di sản sẽ đi kèm với chuyển giao nghĩa vụ tài sản của người để lại di sản. Người hưởng di sản có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ về tài sản do người có di sản để lại tương ứng với phần di sản được nhận.

Khuyến nghị:
  1. Bài viết nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, E-mail: [email protected], [email protected].