Lưu ý về hợp đồng mua bán ngoại thương

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, hợp đồng mua bán ngoại thương chỉ có giá trị pháp lý khi được các bên xác lập bằng hình thức văn bản.

Hợp đồng mua bán ngoại thương có đầy đủ các đặc điểm như hợp đồng mua bán hay hợp đồng kinh tế. Tuy nhiên, điểm khác biệt cơ bản của loại hợp đồng này nằm ở chỗ hợp đồng mua bán ngoại thương chứa đựng yếu tố quốc tế/yếu tố nước ngoài. Cũng chính vì lý do này, để đảm bảo giá trị pháp lý của hợp đồng, các bên khi ký kết cần lưu ý một số điểm như sau:

Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

1. Hình thức của hợp đồng mua bán ngoại thương
Pháp luật của đại đa số các nước đều quy định hợp đồng mua bán ngoại thương chỉ có giá trị pháp lý về mặt hình thức khi được thể hiện dưới hình thức văn bản.
Tuy nhiên, Điều 11 Công ước của Liên hợp quốc năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế có quy định: “Không yêu cầu hợp đồng mua bán phải được ký hoặc phải được xác nhận bằng văn bản hoặc phải tuân thủ một yêu cầu nào đó về mặt hình thức…”. Việc quy định này nhằm đơn giản hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho các bên chủ thể hợp đồng thuộc các nước thành viên công ước có thể giao kết hợp đồng thuộc các nước thành viên công ước có thể giao kết hợp đồng một cách nhanh chóng.
Mặc dù vậy, Điều 96 của Công ước cũng quy định rõ: Nếu nước thành viên mà trong pháp luật của nước đó đòi hỏi hợp đồng phải được ký kết hoặc phê chuẩn dưới hình thức văn bản thì điều quy định này của pháp luật nước thành viên đó phải được tôn trọng
Về vấn đề này, pháp luật Việt Nam quy định: Hợp đồng mua bán ngoại thương phải được làm bằng văn bản mới có hiệu lực. Thư từ, điện tín, telex, fax cũng được coi là văn bản (khoản 2 Điều 27 Luật thương mại năm 2005).

2. Nội dung của hợp đồng mua bán ngoại thương
Nội dung của hợp đồng mua bán ngoại thương là sự thể hiện thỏa thuận, biểu hiện ý chí tự nguyện của các chủ thể nhằm ấn định các quyền và nghĩa vụ cụ thể của các bên đối với nhau. Tuy nhiên, không phải bất cứ nội dung nào do các bên thỏa thuận đưa vào hợp đồng cũng được coi là hợp pháp. Hợp đồng mua bán ngoại thương chỉ hợp pháp về mặt nội dung khi nó chứa đựng những điều khoản quy định của pháp luật.
Về mặt pháp lý, để tránh những tranh chấp có thể xảy ra nhằm bảo vệ quyền lợi của các bên chủ thể, thông thường một hợp đồng mua bán ngoại thương cần phải có những điều khoản chủ yếu sau đây:

a. Phần mở đầu
Ghi số của hợp đồng, tên gọi, địa chỉ pháp lý của các bên (bên mua và bên bán) một cách đầy đủ (không viết tắt), ghi rõ địa điểm và ngày tháng năm ký hợp đồng. Đây là vấn đề quan trọng có liên quan đến việc xác định pháp luật áp dụng khi có tranh chấp xảy ra.

b. Phần nội dung
Đây là phần cơ bản quy định quyền và nghĩa vụ của các bên. Do vậy, nó cần được ghi một cách cụ thể, rõ ràng, chi tiết. Phần này thường có các điều khoản sau:

(i) Đối tượng của hợp đồng
Hàng hóa phải được ghi cụ thể, chính xác tên thường gọi đối với hàng hóa đó, có kèm theo tên thương mại hoặc tên khoa học (nếu có) hoặc ghi kèm theo tên người sản xuất.

(ii) Số lượng và khối lượng của hàng hóa: Có thể ghi những nội dung này bằng những con số cụ thể hoặc có dung sai. Số dung sai này tăng (+), giảm (-) theo tỷ lệ (%) nhất định do các bên thỏa thuận.

(iii) Phẩm chất hàng hóa: Việc xác định phẩm chất hàng hóa phải được quy định thông qua sự mô tả theo hình dạng, mầu sắc, kích thước; hoặc xác định bởi đặc tính lý, hóa của nó; hoặc theo một mẫu nhất định; hoặc theo một tiêu chuẩn (quốc gia, quốc tế) đối với hàng hóa đó.

(iv) Giá cả hàng hóa: Giá cả hàng hóa là một điều khoản cơ bản của hợp đồng mua bán ngoại thương nên cần phải được quy định cụ thể.
Giá cả được ghi bằng chữ và đồng tiền tính giá. Chú ý khi ghi rõ đồng tiền tính giá là loại tiền gì, của nước nào. Vì thực tế trên thế giới có nhiều loại tiền của các nước tuy tên gọi giống nhau nhưng giá trị lại khác nhau.

(v) Thời hạn giao hàng: Để đảm bảo quyền lợi của mình và tạo điều kiện thuận lợi cho công việc giao nhận hàng, các bên phải thỏa thuận thời gian giao hàng. Thời gian giao hàng có thể được các bên ấn định vào một thời điểm cụ thể hoặc vào một khoảng thời gian cụ thể.

(vi) Phương thức giao hàng: Phương thức giao hàng là những quy định về trách nhiệm của người mua hàng và người bán hàng trong các vấn đề có liên quan đến việc giao hàng nhưL Thuê phương tiện vận chuyển, mua bảo hiểm hàng hóa, xác định thời điểm chuyển dịch quyền sở hữu và rủi ro đối với hàng hóa từ người bán sang người mua… trong thực tiễn thương mại quốc tế, các phương thức giao hàng được mang tên gọi như FOB, CIF, FAS, EXW… ứng với mỗi phương thức giao hàng là những vấn đề pháp lý nhất định về quyền và nghĩa vụ của các bên đối với nhau trong quá trình giao hàng. Ở đây cần chú ý để tránh nhầm lẫn khi thỏa thuận về phương thức giao hàng, các bên phải thống nhất chỉ ra sẽ áp dụng phương thức nào và nó được ghi nhận ở đâu. Thông thường người ta áp dụng phương thức giao hàng trong “INCOTERMS-1990”. Nếu có vấn đề gì cần thêm bớt vào các điều kiện giao hàng để phù hợp với hoàn cảnh thực tế thì các bên cũng phải thỏa thuận ghi rõ trong hợp đồng.

Ngoài các điều khoản trên đây, các bên chủ thể có thể thỏa thuận đưa vào trong hợp đồng các điều khoản khác như: điều khoản giám định hàng hóa, điều khoản thanh toán, điều khoản bảo hành, điều khoản trọng tài…

Luật gia Lưu Thị Phượng - Phòng cấp phép và đầu tư Công ty Luật TNHH Everest, tổng hợp.

Quý Khách hàng yêu cầu cung cấp dịch vụ có thể liên hệ với luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest theo một trong các phương thức sau:
  1. Giao dịch trực tiếp tại các địa chỉ sau: (i) Địa chỉ: Tầng 19 Tòa nhà Thăng Long Tower, 98 Ngụy Như Kom Tum, Thanh Xuân, Hà Nội; (ii) Chi nhánh Hà Nội: Tầng 2 Tòa nhà Ngọc Khánh, 37 Nguyễn Sơn, Long Biên, Hà Nội; (iii) Trung tâm thực hành nghề luật - Khoa Luật kinh tế Đại học Hòa Bình, số 8 phố Bùi Xuân Phái, Nam Từ Liêm, Hà Nội.
  2. Gọi điện thoại tới Tổng đài tư vấn 1900 6198
  3. Liên hệ qua phương thức điện tử (trực tuyến): E-mail [email protected]; Zalo số (0936978889); Facebook: https://www.facebook.com/congtyluateverest/