Tranh chấp thừa kế giữa các bên được giải quyết tại tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Hỏi: Ông bà nội tôi có 7 người con và ba tôi là con cả. Đến khi mất, ông bà nội tôi không hề để lại bất kì giấy tờ thừa kế nào cho ba tôi hay bất kể ai trong gia đình cả. Hiện nay, gia đình tôi muốn chia phần đất đó ra làm 4 phần đều nhau bao gồm: 3 ô đất có diện tích 4x12 m2 cho 3 người con trai đầu là ba tôi và 2 chú. Còn phần đất còn lại phía sau có diện tích 12x5 m2 sẽ được chia đều cho 4 người còn lại và 4 người đều đồng ý với sự phân chia đó. Vấn đề ở đây là 3 ô đầu tiên, 3 ô này có chiều rộng là 4m, nếu tính tổng chiều rộng 3 ô sẽ là 12m nhưng vẫn còn dư 1 ô nhỏ có chiều rộng 1,5m dùng để làm đường đi xuống phía sau khu đất còn lại. Tức có nghĩa là ô đất sẽ được chia theo thứ tự như sau: ô thứ 1 của ba tôi -> đường đi -> ô thứ 2 của chú 3 -> ô thứ 3 của chú 4. Nhưng chú 3 và chú 4 đều dành ô đất thứ 2 với lý do của chú 4 là vì ở đó có 1 đường đi nên có thể mở thêm cổng sau, tiện mỗi khi về khuya. Lý do của chú 3 là vì ô đất đó vuông vức, đẹp, còn về ô đất đầu tiên, ba tôi cũng đã nhường cho 2 chú chọn trước nhưng 2 chú kiên quyết không đụng vào vì nghĩ ba tôi là anh lớn nên cần được tôn trọng và chỉ tranh giành nhau ô đất thứ 2. Chính vì vấn đề này mà gia đình tôi vẫn chưa đi đến quyết định chung. Vậy tôi muốn hỏi luật sư, với trường hợp như của gia đình tôi thì nên giải quyết thế nào? Và nếu 1 trong 2 người không chịu hợp tác theo ý kiến luật sư đưa ra thì mình có thể đơn phương truất quyền lợi được sử dụng phần đất đó của người đó được hay không? (Thanh Bằng - Hải Dương)
Luật gia Nguyễn Thành Đạt - Tổ tư vấn pháp luật thừa kế - Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:
Thứ nhất, về giải quyết tranh chấp thừa kế bất động sản của gia đình bạn.
Tranh chấp về thừa kế tài sản thuộc thẩm quyền của giải quyết của Tòa án quy định tại Khoản 5 Điều 25 Bộ luật dân sự 2005. Đương sự có quyền khởi kiện ra Tòa để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Điểm b Khoản 3 Điều 8 Nghị 05/2012 Hướng dẫn thi hành một số quy định Phần thứ hai “Thủ tục giải quyết vụ án tại Tòa án sơ thẩm” của Bộ luật Tố tụng đã được sửa đổi, bổ sung:
“Đối với tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất như: tranh chấp về giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất, tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất, chia tài sản chung của vợ chồng là quyền sử dụng đất,… thì không phải tiến hành hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp nhưng vẫn phải thực hiện thủ tục hoà giải theo quy định của BLTTDS”.
Trong trường hợp như của gia đình bạn, khi không tự giải quyết được tranh chấp thì có thể khởi kiện lên Tòa án để bảo vệ quyền và lợi ích của các bên đương sự mà không cần phải tiến hành hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã, phường , thị trấn nơi có đất tranh chấp.
Thứ hai, về việc truất quyền thừa kế của người không chịu hợp tác.
Trong trường hợp, nếu 1 trong 2 người không chịu hợp tác thì gia định bạn không thể truất quyền lợi được sử dụng phần đất đó của người đó được. Căn cứ Điều 631 Bộ luật dân sự 2005: “Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật”. Điều 635 Bộ luật dân sự 2005 quy định: “Người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết…”.
Như vậy, ông bà của bạn có quyền để lại tài sản cho 7 người con của mình, 7 người con đủ điểu kiện để trở thành người thừa kế di sản để lại của ông bà. Việc truất quyền hưởng di sản là quyền của người để lại di sản thừa kế, không ai có thể truất quyền thừa kế của ai trong 7 người con, trừ ông bà của bạn.
Khuyến nghị:
- Để có tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198.
- Nội dung tư vấn pháp luật hành chính mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận