Hợp đồng đào tạo nghề phải có các nội dung chủ yếu sau đây: a) Nghề đào tạo; b) Địa điểm đào tạo, thời hạn đào tạo; c) Chi phí đào tạo...
Hỏi: Tôi đã kí một hợp đồng đào tạo thạc sĩ với công ty A. Hợp đồng yêu cầu sau khi tốt nghiệp tôi phải làm việc ít nhất 5 năm cho công ty A. Hiện tại tôi đã hoàn thành chương trình học nhưng lại gặp vướng mắc từ phía công ty: Công ty buộc tôi làm vị trí không phù hợp với đào tạo và mức lương. Nếu chứng minh được giữa công ty A và phía viện thạc sĩ B có một hợp đồng khác quy định chi phí đào tạo mà tôi không được biết và cũng không giống chi phí đào tạo chính thức của viện thì hợp đồng của tôi có hợp pháp không? (Trung Kiên - Tuyên Quang)
Luật gia Bùi Thị Phượng - Tổ tư vấn pháp luật lao động Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:
* Về nội dung hợp đồng đào tạo nghề:
Khoản 2 Điều 62 Bộ luật lao động 2012 quy định về nội dung phải có của hợp đồng đào tạo nghề:“2. Hợp đồng đào tạo nghề phải có các nội dung chủ yếu sau đây: a) Nghề đào tạo; b) Địa điểm đào tạo, thời hạn đào tạo; c) Chi phí đào tạo; d) Thời hạn người lao động cam kết phải làm việc cho người sử dụng lao động sau khi được đào tạo; đ) Trách nhiệm hoàn trả chi phí đào tạo; e) Trách nhiệm của người sử dụng lao động”.
Theo quy định trên, chi phí đào tạo là nội dung cần phải ghi rõ trong hợp đồng. Trong hợp đồng đào tạo nghề của bạn không ghi rõ chi phí đào tạo là bao nhiêu, bạn có thể yêu cầu lập phụ lục hợp đồng để làm rõ điều khoản này. Còn về nội dung vị trí làm việc sau khi đào tạo không là nội dung bắt buộc phải có, do đó việc hợp đồng không quy định là không trái pháp luật. Như vậy, hợp đồng vẫn được công nhận.
Nếu tồn tại hợp đồng về chi phí đào tạo giữa công ty và cơ sở đào tạo mà bạn không được biết thì không đồng nghĩa với việc hợp đồng đào tạo nghề vô hiệu. Việc giao kết hợp đồng về chi phí đào tạo không hề làm ảnh hưởng hay trái ngược với hợp đồng học nghề. Có thể phía công ty và bên cơ sở đào tạo sẽ lập luận rằng đây là phụ lục để quy định rõ về chi phí cho hợp đồng đào tạo. Lúc này pháp luật vẫn công nhận hợp đồng đào tạo nghề và hợp đồng về chi phí đào tạo là hợp pháp.
* Về vấn đề vị trí việc làm trong đào tạo nghề
Vì trong hợp đồng đào tạo nghề không ghi rõ công việc sau này bạn học xong nên việc công ty sắp xếp vị trí việc làm dù không đúng theo lĩnh vực đào tạo là được phép. Hợp đồng quy định rõ sau khi học xong bạn phải làm việc cho công ty nên dù vị trí công việc là gì bạn phải tuân theo thỏa thuận đó. Bạn có thể thỏa thuận với công ty để làm công việc phù hợp với ngành nghề đã đào tạo.
Khuyến nghị:
- Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
- Nội dung bài tư vấn pháp luật lao động mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Tại thời điểm quý Vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận