Thời hạn ủy quyền do các bên thoả thuận hoặc do pháp luật quy định; nếu không có thoả thuận và pháp luật không có quy định thì hợp đồng ủy quyền có hiệu lực một năm, kể từ ngày xác lập việc ủy quyền.
Hỏi: Con gái tôi làm việc hợp đồng chính thức tại ngân hàng A được 4 năm thì xin nghỉ việc đi du học. Trước khi đi có làm giấy ủy quyền cho tôi với nội dung: "Liên hệ với cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) thành phố X và các cơ quan chức năng có liên quan để nhận các chế độ liên quan đến quyết định chấm dứt HĐLĐ số...,ngày...của NH...cho tôi". Giấy ủy quyền ký ngày 3/9/2014. Ngày 5/4/2016 tôi đến BHXH quận làm thủ tục nhận tiền BHXH một lần, thì phía BHXH quận bảo nội dung ủy quyền phải ghi rõ: "nhận sổ Bh thất nghiệp, làm thủ tục BHXH và nhận tiền BHXH một lần" mới được. Tôi không đồng tình vì nội dung ủy quyền trên đã bao hàm các yêu cầu đó, thì nhân viên đó đi xin ý kiến của cấp trưởng và được giải thích là ủy quyền hết hiệu lực vì làm từ tháng 8/2014 đến nay 4/2016. Nhưng trong ủy quyền có nói rõ là: “Thời hạn ủy quyền: kể từ khi giấy ủy quyền này được công chứng chứng nhận cho đến khi hoàn tất nội dung đã ủy quyền hoặc khi giấy ủy quyền này hết hiệu lực theo qui định của pháp luật”. Vậy cho tôi hỏi nội dung ủy quyền này tôi có được làm thủ tục nhận tiền BHXH một lần cho con tôi được không và giấy ủy quyền này đã hết hiệu lực chưa? Hiện tại con tôi đang ở nước ngoài nếu sau một năm nữa (2017) con tôi về làm thủ tục nhận tiền BHXH một lần có được không? Có qui định thời gian hết hiệu lực nhận BHXH một lần không? (Quý Nhân -Tiền Giang)
Thứ nhất, về nội dung thỏa thuận:Với thỏa thuận nội dung hợp đồng ủy quyền như trên, hiểu theo hàm nghĩa đã bao gồm ủy quyền tất cả các hoạt động liên quan để nhận các chế độ bảo hiểm. Với cách hiểu và góc nhìn của người không có kiến thức chuyên môn về pháp luật bảo hiểm thì rất khó liệt kê cụ thể và đầy đủ các công việc cần thực hiện để ủy quyền. Tuy nhiên, vấn đề về cách hiểu như thế nào, những vấn đề không được quy định cụ thể trong luật thì rất khó để tranh cãi và không thể khẳng định chắc chắn. Vì vậy, với cách thỏa thuận như trên, bạn có thể vẫn thực hiện hợp đồng ủy quyền thay mặt con gái bạn hưởng bảo hiểm xã hội một lần.
Thứ hai, về thời hạn hợp đồng ủy quyền:Theo thông tin bạn cung cấp thì trong hợp đồng có thỏa thuận về thời hạn hợp đồng. Cụ thể “Thời hạn ủy quyền: kể từ khi giấy ủy quyền này được công chứng chứng nhận cho đến khi hoàn tất nội dung đã ủy quyền hoặc khi giấy ủy quyền này hết hiệu lực theo qui định của pháp luật”.
Tại Điều 582 Bộ luật dân sự 2005 có quy định về thời hạn ủy quyền như sau: "Thời hạn ủy quyền do các bên thoả thuận hoặc do pháp luật quy định; nếu không có thoả thuận và pháp luật không có quy định thì hợp đồng ủy quyền có hiệu lực một năm, kể từ ngày xác lập việc ủy quyền.
Như vậy, nếu các bên không thỏa thuận về thời hạn thì thời hạn ủy quyền là 1 năm. Trong hợp đồng ủy quyền của bạn có thỏa thuận thời hạn, tuy nhiên, lại có sự lựa chọn giữa thời hạn thỏa thuận và thời hạn quy định pháp luật. Hiện nay vẫn chưa có sự thống nhất về cách hiểu với trường hợp này, nhưng nhìn trên phương diện pháp lý thì vẫn có thể công nhận thỏa thuận thời hạn hợp đồng ủy quyền của bạn là thời hạn kéo dài cho tới khi hoàn tất nội dung công việc. Bởi lẽ, Bộ luật dân sự quy định là khi các bên phải không có thỏa thuận khác thì mới áp dụng quy định thời hạn của Luật. Còn trường hợp của mình vẫn có thỏa thuận nên vẫn ưu tiên áp dụng thỏa thuận của hai bên.
Thứ ba, về thời hạn rút BHXH 1 lần:Điều 60 Luật BHXH năm 2014 và Điều 8 nghị định 115/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật BHXH năm 2014 có quy định các trường hợp được hưởng BHXH 1 lần gồm:
+ Trường hợp người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc sau một năm nghỉ việc, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sau một năm không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội khi có yêu cầu thì được nhận bảo hiểm xã hội một lần.
+ Đủ tuổi hưởng lương hưu theo quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 54 của Luật này mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội hoặc theo quy định tại khoản 3 Điều 54 của Luật này mà chưa đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội và không tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện;
+ Ra nước ngoài để định cư;
+ Người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế;
+ Trường hợp người lao động quy định tại điểm đ và điểm e khoản 1 Điều 2 của Luật này khi phục viên, xuất ngũ, thôi việc mà không đủ điều kiện để hưởng lương hưu.
Như vậy, Luật chỉ quy định sau 1 năm nghỉ việc, không tiếp tục tham gia BHXH thì được rút BHXH. Vậy nên, nếu bạn không rút BHXH cho con, 2017 con gái bạn về thì vẫn có thể làm hồ sơ hưởng BHXH.
- Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
- Nội dung bài tư vấn pháp luật lao động mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Tại thời điểm quý Vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận