Độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự là người từ đủ 14 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm nghiêm trọng do cố ý hoặc phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.
Hỏi: Người chưa thành niên có phải chịu trách nhiệm hình sự không? Độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự là bao nhiêu? tại sao không xử tử hình đối với người dưới 18 tuổi? (Thu Vân - Hà Nội)
Luật gia Ngô Đức Cường - Tổ tư vấn pháp luật hình sự Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:
Người chưa thành niên có phải chịu trách nhiệm hình sự không?
Người chưa vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự, theo Điều 12 Bộ luật Hình sự năm 1999 (Luật hình sự sửa đổi bổ sung năm 2009) quy định như sau:
“1 . Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tôi.
2 . Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc phạm tội đặc biệt nghiêm trọng”.
Độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự là người từ đủ 14 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm nghiêm trọng do cố ý hoặc phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.
Tại sao không xử tử hình đối với người dưới 18 tuổi?
Vì nhận thấy độ tuổi 18 là phù hợp với các điều kiện của Việt Nam. Ở một số nước châu Âu, thậm chí luật pháp còn quy định độ tuổi đó phải là 20.
Trong nghiên cứu khoa học cho thấy người dưới 18 tuổi là người chưa phát triển đầy đủ về thể chất cũng như về tâm, sinh lý. Họ bị hạn chế về trình độ nhận thức cũng như về kinh nghiệm sống, thiếu những điều kiện về bản lĩnh tự lập. Ngoài ra, khả năng tự kiềm chế chưa cao nên họ dễ bị kích động, dễ bị lôi kéo vào những hoạt động phiêu lưu, mạo hiểm. Do đó, pháp luật hình sự Việt Nam đã đặt ra những nguyên tắc riêng khi xử lý hành vi phạm tội của người chưa thành niên.
Chính sách hình sự của Việt Nam đối với việc truy cứu trách nhiệm hình sự người chưa thành niên là nhằm giúp đỡ, cải tạo, giáo dục để người chưa thành niên nhận ra sai lầm, từ đó sửa chữa những sai lầm của mình, tạo điều kiện để các em có khả năng tái hòa nhập cuộc sống.
Ý kiến thứ hai:
Chào bạn, đối với câu hỏi của bạn, tôi xin trả lời như sau:
1.Cơ sở pháp lí:
Bộ luật hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009).
2. Nội dung tư vấn:
Theo quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành thì nếu trẻ dưới 14 tuổi phạm vào một tội đặc biệt nghiêm trọng sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự mà chỉ phải đi học tập cải tạo tại các trường giáo dưỡng.
Trẻ từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng, với mức án cao nhất có thể áp dụng là 12 năm tù. Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phải chịu trách nhiệm về mọi tội phạm, nhưng mức án cao nhất có thể áp dụng là 18 năm tù.
Việc quy định như trên là dựa vào chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước dựa trên tình hình kinh tế - xã hội của nước ta theo từng thời kì. Đây cũng là lí do để giải thích việc nhà nước không tử hình đối với những người dưới 18 tuổi. Tất cả mọi quy định, điều luật được ban hành đều dựa trên những cơ sở chính sách nhân đạo, nhân văn phù hợp với truyền thống của người Việt Nam. Tuy nhiên, gần đây, xuất phát từ thực tế có nhiều vụ án nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng nên có nhiều quan điểm từ phía cho rằng cần giảm độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự xuống để nâng cao tính răn đe của luật hình sự. Mặc dù vậy, hiện nay luật hình sự vẫn quy định như trên và chưa có sửa thay đổi hay sửa đổi về độ tuổi chịu trach nhiệm hình sự
Ý kiến thứ ba:
Chào bạn! Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tới chuyên mục. Câu hỏi của bạn xin được giải đáp như sau:
(*) Người chưa thành niên có phải chịu trách nhiệm hình sự không? độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự là bao nhiêu?
Điều 18 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định: Người từ đủ mười tám tuổi trở lên là người thành niên. Người chưa đủ mười tám tuổi là người chưa thành niên.
Vậy người chưa thành niên có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không? Để trả lời câu hỏi này chúng ta hãy tìm hiểu BLHS quy định về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự như thế nào?
Về độ tuổi chịu TNHS hiện nay được quy định tại Điều 12 BLHS năm 1999 ( sửa đổi, bổ sung năm 2009). Cụ thể như sau:
1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm.
2. Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Như vậy, căn cứ vào quy định trên thì người chưa thành niên ( người dưới 18 tuổi) có thể phải chịu TNHS.
Khoa học hình sự quy định như vậy chủ yếu dựa vào tiêu chuẩn về sự phát triển tâm sinh lý của con người. Đối với người chưa đủ 14 tuổi là do trí tuệ của họ chưa phát triển đầy đủ nên chưa nhận thức được tính nguy hiểm cho xã hội về hành vi của mình, chưa đủ khả năng tự chủ khi hành động nên họ không bị coi là có lỗi về hành vi nguy hiểm cho xã hội mà họ thực hiện.
(*) Tại sao không xử tử hình đối với người dưới 18 tuổi?
Điều 35 Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định: "Không áp dụng hình phạt tử hình đối với người chưa thành niên phạm tội, đối với phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi khi phạm tội hoặc khi bị xét xử".
Khoản 3 Điều 1 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 1999, được Quốc hội thông qua ngày 19/6/2009, quy định: “Không xử phạt tù chung thân hoặc tử hình đối với người chưa thành niên phạm tội.
Ngoài ra, khoản 1, Điều 74 Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định về mức xử phạt đối với người chưa thành niên phạm tội như sau: "Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá mười tám năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định".
Trường hợp người chưa thành niên phạm nhiều tội, Khoản 1 Điều 75 bộ luật này quy định về tổng hợp hình phạt như sau: "Nếu tội nặng nhất được thực hiện khi người đó chưa đủ 18 tuổi, thì hình phạt chung không được vượt quá mức hình phạt cao nhất quy định tại Điều 74 của bộ luật này".
Sở dĩ, BLHS không áp dụng hình phạt tử hình đối với người chưa thành niên bởi 2 căn cứ sau:
- Thứ nhất, khoa học hình sự cho rằng người chưa thành niên là người chưa đủ 18 tuổi nên chưa phát triển đầy đủ về thể chất cũng như tâm, sinh lý, bị hạn chế về nhận thức pháp luật cũng như kinh nghiệm sống nên dễ bị kích động, lôi kéo phạm tội.
- Thứ hai, chính sách hình sự của Đảng và Nhà nước ta trong việc xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội là nhân đạo, ngoài trừng trị tội phạm thì mục đích chủ yếu của chính sách hình sự này là cảm hóa giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội.
Trước thực trạng người chưa thành niên phạm tội gia tăng và diễn biến phức tạp như hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng cần phải hạ độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự và tăng mức hình phạt để trừng trị tội phạm, nâng cao tác dụng giáo dục phòng ngừa. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng tội phạm ngày càng trẻ hóa, ngày càng gia tăng cả về số vụ lẫn tính chất nghiêm trọng. Tuy nhiên, điều này đang được xem xét và chưa có kết luận chính thức.
Ý kiến thứ tư:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi thắc mắc về chuyên mục của chúng tôi.
Thứ nhất, Về trách nhiệm hình sự với người chưa thành niên phạm tội.
Người chưa thành niên là một đối tượng đặc biệt, chưa có nhận thức đầy đủ về cuộc sống, chưa được phát triển toàn diện về kiến thức xã hội, pháp luật,… chính vì thế, những hành vi phạm tội của đối tượng này được pháp luật hình sự điều chỉnh ở riêng một chương (chương X Bộ luật hình sự 1999) những chế tài đối với đối tượng này mang nhiều tính giáo dục hơn là hình phạt, để tạo điều kiện cho những cá nhân chưa thành niên phạm tội có điều kiện học tập, rèn luyện nhân cách bản thân.
Thứ 2, về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên.
Bộ luật hình sự quy định về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên phạm tội tại điều 68:
Người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự theo những quy định của Chương này, đồng thời theo những quy định khác của Phần chung Bộ luật không trái với những quy định của Chương này.
Như vậy, độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự là từ 14 đến 18 tuổi, tùy theo tính chất nghiêm trọng của hành vi phạm tội.
Như đã nói ở trên, hành vi phạm tội của trẻ chưa thành niên xảy ra tại thời điểm người phạm tội chưa phát triển toàn diện về mặt nhận thức, do vậy, Nhà nước tạo điều kiện cho những đối tượng này có cơ hội quay trở lại cuộc sống để làm lại cuộc đời. Do vậy, không áp dụng hình thức tử hình đối với người chưa thành niên là quy định mang tính nhân văn, giáo dục của Nhà nước, hoàn toàn phù hợp với thực tiễn.
Ý kiến thứ năm:
Người chưa thành niên tùy từng trường hợp và mức độ phạm tội vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.
Theo quy định của Bộ hình sự 1999, độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự được quy định tại Điều 12 như sau:
“Điều 12. Tuổi chịu trách nhiệm hình sự
1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm.
2. Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.”
Pháp luật quy định không xử tử hình với người dưới 18 bởi nhiều lí do. ở độ tuổi đó, các em thực sự chưa nhận thực hết được hành vi của mình, chỉ do bồng bột, nông nổi mà hành động. Hơn hết, cũng dựa trên tinh thần nhân đạo của nhà nước, ở độ tuổi này, các em có thể được cải tạo và trở thành người công dân có ích cho đất nước chứ không nhất thiết phải áp dụng khung hình phạt tử hình.
Khuyến nghị:
- Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
- Nội dung bài tư vấn pháp luật hình sự mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Tại thời điểm quý Vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận