Công ty Luật TNHH Everest tư vấn trường hợp giữ tiền hàng khi công ty không trả lương.
Hỏi: Em là nhân viên kinh doanh của công ty TNHH SX TM A. Em làm việc từ tháng 8 năm 2015 trong quá trình làm việc em có yêu cầu công ty ký hợp đồng lao động và yêu cầu được tham gia bảo hiểm nhưng công ty không đám ứng và thường xuyên giảm lương dài hạn.Tính tới thời điểm hiện công ty mới trả lương hết tháng 2 năm 2016. Ngày 9/6/2016 em có nộp đơn xin nghỉ nhưng không được giải quyết lương. Cùng ngày em có thu tiền đơn hàng đã bán trước đó cho công ty và giữ lại số tiền 19.850.000 đồng. Giám đốc có điện và yêu cầu em trả số tiền đó cho công ty. Em yêu cầu trả tiền lương thì giám đốc không trả lời, em có nói tạm giữ số tiền khi nào công ty trả lương em sẽ gửi lại, thì giám đốc nói sẽ kiện em tội chiếm đoạt tài sản công ty. Em rất mong được tư vấn pháp luật, nếu bị kiện em có bị tội gì không? Quy định thế nào, và làm cách nào để em lấy lại lương của em. (Đỗ Tuyết - Hà Nội)
Thứ nhất, về hành vi của Công ty bạn
Theo khoản 1Điều 18 Bộ luật lao động quy định: "Trước khi nhận người lao động vào làm việc, người sử dụng lao động và người lao động phải trực tiếp giao kết hợp đồng".
Khoản 1 Điều 186 Bộ luật lao động quy định: "Người sử dụng lao động, người lao động phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp và được hưởng các chế độ theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và pháp luật về bảo hiểm y tế.
Khuyến khích người sử dụng lao động, người lao động thực hiện các hình thức bảo hiểm xã hội khác đối với người lao động".
Như vậy, hành vi của người sử dụng lao động Công ty bạn khi không giao kết hợp đồng lao động với người lao động và tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao độnglà trái với quy định pháp luật về lao động.
Người sử dụng lao động phải chịu trách nhiệm hành chính đối với hành vi của mình.
Khoản 1 Điều 5 Nghị định 95/2013/NĐ-CP quy định: 'Phạt tiền người sử dụng lao động khi có một trong các hành vi: Không giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản đối với công việc cố định có thời hạn trên 3 tháng; không giao kết đúng loại hợp đồng lao động với người lao động theo quy định tại Điều 22 của Bộ luật lao động theo một trong các mức sau đây:
a) Từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
b) Từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người;
c) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
d) Từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;
đ) Từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với vi phạm từ 301 ngườilao động trở lên".
Điều 26 Nghị định 95/2013/NĐ-CP quy định trách nhiệm của người sử dụng lao động khi vi phạm quy định về việc đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động:
"1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người lao động có hành vi thỏa thuận với người sử dụng lao động không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệm.
2. Phạt tiền với mức từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thòi điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
a) Chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp;
b) Đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp không đúng mức quy định;
c) Đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp không đủ số người thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.
3. Phạt tiền với mức từ 18% đến 20% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động không đóng bảo hiểmxã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp cho toàn bộ người lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc truy nộp số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp chưa đóng, chậm đóng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều này.
b) Buộc đóng số tiền lãi của số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp chưa đóng, chậm đóng theo mức lãi suất của hoạt động đầu tư từ Quỹ bảo hiểm xã hội trong năm đối với vi phạm quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này".
Thứ hai, về hành vi của bạn
Việc bạn giữ tiền hàng của công ty như vậy là trái pháp luật, xâm phạm đến quyền sở hữu của công ty và bạn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội công nhiên chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 137Bộ luật hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009).
Điều 137. Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản
"1. Người nào công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đãbị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Hành hung để tẩu thoát;
b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tà sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến một trăm triệu đồng".
Bạn có thể sẽ bị khởi kiện theo khoản 1 Điều 137 Bộ luật hình sự, bị phạt tù từ 6 tháng đén 3 năm.
Theo điểm bkhoản 1 Điều 37 Bộ luật lao động năm 2012 quy định : Người lao động có quyền đươn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người sử dụng lao động khi người lao động không được trả lương đầy đủ hoặc trả lương không đúng thời hạn đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động.
Theo điểm a khoản 2 Điều 37 quy định: Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với trường hợp người sử dụng lao động không trả lương đầy đủ hoặc trả lương không đúng thời hạn đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động thì người lao động phải báo trước ít nhất 3 ngày làm việc.
Như vậy, bạn có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với công ty và phải báo trước 3 ngày làm việc với người sử dụng lao động.
Điều 47 Bộ luật lao động năm 2012 quy định trách nhiệm của người sử dụng lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động:
"1. Ít nhất 15 ngày trước ngày hợp đồng lao động xác định thời hạn hết hạn, người sử dụng lao động phải thông báo bằng văn bản cho người lao động biết trước thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động.
2. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày.
3. Người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ bảo hiểm xã hội và những giấy tờ khác mà người sử dụng lao động đã giữ lại của người lao động.
4. Trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị chấm dứt hoạt động, bị giải thể, phá sản thì tiền lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và các quyền lợi khác của người lao động theo thỏa ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đã ký kết được ưu tiên thanh toán".
Nếu người sử dụng không trả lương cho bạn, bạn có thể làm đơn khiếu nại lên công đoàn cấp cơ sở. nếu không hòa giải, giải quyết được quyền, lợi của người lao động thì bạn có thể làm đơn khởi kiện ra Tòa án yêu cầu người sử dụng lao động trả đủ lương và các chế độ khác (nếu có).
Khuyến nghị:
- Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
- Nội dung bài tư vấn pháp luật doanh nghiệp mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Tại thời điểm quý Vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận