Công ty Luật TNHH Everest tư vấn giải quyết cấp dưỡng nuôi con.
Hỏi: Tôi đã ly hôn được 3 năm. Lúc trước khi ly hôn có giải quyết tranh chấp nhà và tôi đã để lại nhà cho vợ tôi nuôi con và tôi chỉ lấy lại 1 ít thôi. Lúc giải quyết nuôi con tôi có nêu nguyện vọng nhất định mình sẽ nuôi 1 đứa và để vợ nuôi 1 đứa nhưng tòa đã giải quyết cho vợ tôi nuôi luôn 2 đứa vì con sinh đôi mà còn nhỏ (4 tuổi). Và tòa tuyên tôi cấp dưỡng cho 2 bé một tháng 3 triệu. Lúc giải quyết thỏa thuận tài sản vợ chồng tôi thỏa thuận là sẽ hoãn cấp dưỡng 2 năm cho tôi nhưng khi giải quyết xong về tài sản tôi bảo vợ tôi qua bên thi hành án làm biên bản hoãn cấp dưỡng thì cô ấy không chịu đi. Mà lúc thỏa thuận tài sản tôi có nói với thẩm phán về việc này để đưa vô văn bản luôn nhưng thẩm phán bảo cái đó phải qua thi hành án làm. Vậy mà làm xong văn bản thỏa thuận tài sản thì cô ấy lại không chịu qua thi hành án làm văn bản hoãn cấp dưỡng. Tôi làm công ty tư nhân có mua bảo hiểm xã hội đàng hoàng nhưng đã không cấp dưỡng vậy mà mới có 1 vài tháng cô vợ tôi đã lên thi hành án báo về công ty tôi buộc công ty tôi hằng tháng phải trích ra 3 triệu gửi về thi hành án còn lại bao nhiêu tôi mới được lãnh. Vì quá chán nản nên tôi đã nghỉ việc công ty và về làm kinh tế gia đình. Tôi đã cố gắng dốc hết sức mua được 1 miếng đất nhưng vẫn chưa cất nhà. Vậy mà giờ đây vợ tôi đòi thi hành án cái lô đất của tôi để cấp dưỡng cho con. Vậy luật sư cho tôi hỏi là tôi có bị cưỡng chế thi hành án lô đất đó không? (Tuấn Mạnh - Hải Dương)
Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình quy định về nghĩa vụ cấp dưỡng của cha, mẹ đối với con khi ly hôn:
“Khi ly hôn, cha hoặc mẹ không trực tiếp nuôi con chưa thành niên hoặc con đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con. Mức cấp dưỡng cho con do cha, mẹ thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết".
Theo quy định tại Điều 4 Luật thi hành án dân sự năm 2008 về bảo đảm hiệu lực của bản án, quyết định: “Bản án, quyết định quy định tại Điều 2 của Luật này phải được cơ quan, tổ chức và mọi công dân tôn trọng. Cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan trong phạm vi trách nhiệm của mình chấp hành nghiêm chỉnh bản án, quyết định và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thi hành án".
Như vậy, căn cứ vào những điều luật trên thì bạn phải chấp hành nghiêm chỉnh quyết định của Tòa án, trong đó nghĩa vụ cấp dưỡng cho 2 con với mức cấp dưỡng là 3 triệu đồng/tháng.
Còn đối với thỏa thuận của hai vợ chồng bạn về việc đồng ý cho bạn hoãn cấp dưỡng trong vòng 2 năm do không được ghi nhận trong quyết định ly hôn của Tòa án nên không có cơ sở pháp lý. Hơn nữa, theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự năm 2008, vợ bạn hoàn toàn có quyền lên thi hành án yêu cầu ra quyết định thi hành án: “Trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền ra quyết định thi hành án”( Khoản 1 Điều 30 ). Do đó, khi bạn không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho 2 con theo quyết định của Tòa án thì sẽ bị cưỡng chế thi hành án, tức lô đất mà bạn đang có quyền sử dụng sẽ bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại Điều 46 Luật thi hành án dân sự.
Bạn có trình bày, hiện hoàn cảnh rất khó khăn, tài sản không còn gì ngoài thửa đất với mục đích để xây dựng căn nhà ở tạm. Mặc dù pháp luật quy định có thể kê biên thửa đất để cưỡng chế thi hành án, nhưng trên thực tế kê biên một tài sản có giá trị lớn để thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng 3 triệu/tháng có thể sẽ không xảy ra. Do đó, trước mắt bạn có thể yên tâm lao động để kiếm thu nhập và không phải suy nghĩ nhiều về thửa đất.
Hiện nay bạn đang gặp khó khăn về kinh tế, cho nên chúng tôi sẽ tư vấn cho anh thêm phương án có thể sẽ đảm bảo tốt hơn cuộc sống của bạn. Căn cứ vào Điều 116 Luật Hôn nhân và gia đình về mức cấp dưỡng có quy định: “Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa giải quyết. 2. Khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết".
Như vậy, khi bạn lý do chính đáng là do đã nghỉ việc ở công ty, làm kinh tế gia đình bị thất bạị khiến khả năng kinh tế không thể đáp ứng được mức cấp dưỡng cho các con của bạn như ban đầu thì bạn có thể thỏa thuận với vợ bạn về việc thay đổi mức cấp dưỡng sao cho phù hợp với nhu cầu của bạn và vẫn đảm bảo mức cấp dưỡng hợp lý cho 2 con của bạn. Nếu hai bạn không thể thỏa thuận được việc thay đổi mức trợ cấp thì bạn có thể làm đơn yêu cầu Tòa án nơi đã xét xử trước đây để giải quyết.
Lưu ý: Mặc dù phương án này có thể sẽ giúp ổn định đời sông cho bạn, nhưng vợ anh nuôi hai người con không hề đơn giản chút nào. Bạn nên tự nguyện cấp dưỡng cho con trong phạm vi thu nhập của mình và luôn điều chỉnh khi thu nhập của bạn tăng lên, bởi đó mãi là con đẻ của bạn. Bạn không nên có những suy nghĩ nhằm trốn tránh nghĩa vụ này.
- Để có tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198.
- Nội dung tư vấn pháp luật hôn nhân và gia đình mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận