Khoản 2, Điều 106, Bộ luật Lao động năm 2012 quy định, người sử dụng lao động được yêu cầu người lao động làm thêm giờ khi đáp ứng đủ các điều kiện: Được sự đồng ý của người lao động...
Do nhu cầu phát triển cũng như khối lượng công việc của doanh nghiệp ngày càng nhiều mà các doanh nghiệp phải tổ chức làm thêm giờ
Người sử dụng lao động huy động người lao động làm thêm giờ vượt quá số giờ quy định
Quy định tại Khoản 2 Điều 106 Bộ luật lao động 2012, thì doanh nghiệp chỉ được tổ chức làm thêm giờ khi có được sự đồng ý của người lao động và đảm bảo đủ các điều kiện về số giờ làm thêm như sau:
- Số giờ làm thêm không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong một ngày
- Tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong một ngày
- Nếu làm thêm vào ngày nghỉ lễ, tết hoặc ngày nghỉ hằng tuần thì số giờ làm thêm trong ngày đó không quá 12 giờ.
- Tổng số giờ làm thêm không quá 30 giờ/tháng và không quá 200 giờ/năm
Doanh nghiệp sẽ bị Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng nếu huy động người lao động làm thêm giờ vượt quá số giờ quy định nêu trên theo quy định tại Khoản 4 Điều 14 Nghị định 95/2013/NĐ-CP.
Người lao động sử dụng người từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi làm thêm giờ trừ một số nghề, công việc được pháp luật cho phép
Quy định tại Khoản 3 Điều 163 Bộ luật lao động 2012, thì doanh nghiệp chỉ được sử dụng người lao động làm thêm giờ trong một số nghề và công việc do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định.
Doanh nghiệp sẽ bị Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng nếu sử dụng người từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi làm thêm giờ trừ một số nghề, công việc được pháp luật cho phép theo quy định tại Điểm c Khoản 2 Điều 19 Nghị định 95/2013/NĐ-CP.
Tuy nhiên, hiện tại chưa ban hành danh mục cụ thể về vấn đề này nên doanh nghiệp cần lưu ý là không phải bất kỳ công việc nào cũng có thể cho người lao động chưa thành niên làm thêm giờ. Doanh nghiệp cần liên hệ với cơ quan quản lý lao động trực tiếp để hỏi ý kiến về vấn đề này.
Người sử dụng lao động không thông báo về việc tổ chức làm thêm giờ từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong một năm
Doanh nghiệp được tổ chức làm thêm từ 200 giờ đến 300 giờ trong một năm trong các trường hợp sau đây:
- Sản xuất, gia công xuất khẩu sản phẩm là hàng dệt, may, da, giày, chế biến nông, lâm, thủy sản;
- Sản xuất, cung cấp điện, viễn thông, lọc dầu; cấp, thoát nước;
- Các trường hợp khác phải giải quyết công việc cấp bách, không thể trì hoãn.
Khi tổ chức làm thêm giờ, doanh nghiệp phải thông báo bằng văn bản cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.
Doanh nghiệp sẽ bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng nếu không thông báo bằng văn bản cho cơ quan chuyên môn giúp Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý nhà nước về lao động tại địa phương về việc tổ chức làm thêm giờ từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong một năm theo quy định tại Khoản 11 Điều 1Nghị định 88/2015/NĐ-CP.
Người sử dụng lao động huy động người lao động làm thêm giờ mà không được sự đồng ý của người lao động
Quy định tại Điểm b Khoản 3 Điều 14Nghị định 95/2013/NĐ-CPdoanh nghiệp bị phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng nếu sử dụng lao động huy động người lao động làm thêm giờ mà không được sự đồng ý của người lao động. Trừ những trường hợp dưới đây, doanh nghiệp có quyền yêu cầu người lao động làm thêm giờ vào bất kỳ ngày nào và người lao động không được từ chối, cụ thể:
- Thực hiện lệnh động viên, huy động bảo đảm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật;
- Thực hiện các công việc nhằm bảo vệ tính mạng con người, tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng ngừa và khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh và thảm họa.
Người sử dụng lao động sử dụng lao động nữ mang thai làm thêm giờ
Quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 18Nghị định 95/2013/NĐ-CP, doanh nghiệp sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng nếu sử dụng lao động sử dụng lao động nữ làm thêm giờ khi lao động nữ mang thai từ tháng thứ 07 hoặc từ tháng thứ 06 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Người sử dụng lao động trả lương cho người lao động khi làm thêm giờ không đúng quy định
Trả lương không đúng quy định bao gồm những hành vi sau:
- Trả lương không đúng hạn;
-Trả lương thấp hơn mức quy định tại thang lương, bảng lương đã gửi cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện;
- Không trả hoặc trả không đủ tiền lương làm thêm giờ, tiền lương làm việc ban đêm, tiền lương ngừng việc cho người lao động theo quy định của pháp luật;
- Khấu trừ tiền lương của người lao động không đúng quy định của pháp luật;
- Trả lương không đúng quy định cho người lao động khi tạm thời chuyển người lao động sang làm công việc khác so với hợp đồng lao động, trong thời gian tạm đình chỉ công việc, trong thời gian đình công, những ngày người lao động chưa nghỉ hàng năm.
Theo quy định tại Khoản 10 Điều 1 Nghị định 88/2015/NĐ-CP, doanh nghiệp nghiệp khi vi phạm một trong những hành vi trên sẽ bị phạt tiền:
- Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
- Từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
- Từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
- Từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;
- Từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.
Luật gia Nguyễn Thị Tâm - Phòng tư vấn pháp luật trực tuyến của Công ty Luật TNHH Everest,tổng hợp.
- Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
- Nội dung bài tư vấn pháp luật lao động mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Tại thời điểm quý vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận