Kinh doanh dịch vụ nhà nghỉ - Cơ quan công an thanh tra, kiểm tra cần lưu ý những gì?

Kinh doanh dịch vụ nhà nghỉ là một trong các hình thức cung cấp dịch vụ lưu trú đối với khách hàng nghỉ theo giờ hoặc nghỉ qua đêm, để kinh doanh dịch vụ này thì các chủ cơ sở kinh doanh nhà nghỉ phải đáp ứng đủ điều kiện về phòng cháy chữa cháy và an ninh trật tự.

Những trường hợp nào thì cơ quan công an có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra hoạt động cơ sở hoạt động kinh doanh nhà nghỉ?

Cơ quan Công an có thẩm quyền thực hiện kiểm tra, thanh tra toàn diện việc chấp hành các quy định về an ninh, trật tự đối với cơ sở kinh doanh các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự theo phương thức định kỳ không quá một lần trong một năm hoặc đột xuất.

Việc kiểm tra, thanh tra đột xuất chỉ được thực hiện khi phát hiện cơ sở kinh doanh có vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật liên quan đến an ninh, trật tự; có đơn khiếu nại, tố cáo của tổ chức hoặc cá nhân về vi phạm pháp luật liên quan đến an ninh, trật tự trong cơ sở kinh doanh; phục vụ tăng cường công tác đảm bảo an ninh, trật tự theo văn bản chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền.

Trong trường hợp công an các cấp theo chức năng, nhiệm vụ được giao khi có yêu cầu phục vụ nhiệm vụ chính trị, tăng cường bảo vệ an ninh, trật tự cần tiến hành kiểm tra đột xuất thì phải được thủ trưởng cơ quan Công an từ cấp huyện trở lên phê duyệt bằng văn bản hoặc có văn bản chỉ đạo của Công an cấp trên.

Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198
Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198

Những công việc cơ quan công an cần phải thực hiện khi thanh tra kiểm tra cơ sở hoạt động kinh doanh nhà nghỉ.

Kiểm tra, thanh tra các giấy tờ trong hồ sơ pháp lý; nội dung kinh doanh ghi trong Giấy phép, Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự do cơ quan Công an có thẩm quyền cấp cho cơ sở kinh doanh với thực tế của cơ sở đang hoạt động;

Kiểm tra người và phương tiện, sản phẩm kinh doanh, dịch vụ liên quan đến hoạt động của cơ sở kinh doanh theo quy định của pháp luật;

Khi kết thúc kiểm tra, thanh tra cơ quan công an có thẩm quyền phải lập biên bản (theo mẫu quy định thống nhất của Bộ Công an) ghi rõ kết quả và tồn tại hoặc vi phạm (nếu có).

Từ thời điểm bắt đầu kinh doanh dịch vụ nhà nghỉ chủ cơ sở cần chú ý chuẩn bị các văn bản hồ sơ pháp lý tại cơ sở cùng toàn bộ các hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc của các phương tiện, sản phẩm dùng để phục vụ quá trình kinh doanh của cơ sở.

Bên cạnh đó khi cho khách hàng lưu trú chủ cơ sở cần kiểm tra giấy tờ tùy thân của khách lưu trú, gồm một trong các loại giấy tờ sau: Giấy chứng minh nhân dân; Căn cước công dân; Hộ chiếu; Thẻ thường trú hoặc Thẻ tạm trú (đối với người nước ngoài); các loại giấy tờ có dán ảnh do các cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam cấp.

Khi khách lưu trú không có giấy tờ tùy thân thì sau khi bố trí vào phòng nghỉ phải thông báo ngay cho Công an xã, phường, thị trấn hoặc đồn, trạm Công an quản lý địa bàn.

Bài viết được thực hiện bởi: Luật sư Trịnh Thị Khánh Ly - Luật sư của Công ty Luật TNHH Everest


Khuyến nghị:

  1. Để có tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198.
  2. Nội dung tư vấn pháp luật doanh nghiệp mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.