Không muốn chia quyền sử dụng đất cho con dâu thì phải làm thế nào?

“Vợ, chồng có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng của mình; nhập hoặc không nhập tài sản riêng vào tài sản chung”.

Hỏi: Ông bà nội tôi có một mảnh đất rộng. Ông bà có 4 người con, bố tôi là con trưởng. Ông bà chia đôi số đất này cho chú hai và chú út của tôi, ông bà tôi ở chung đất với chú út. Ông bà đã sang tên hết quyền sử dụng đất cho gia đình chú út, mà đứng tên lại là vợ chú ấy, tuy nhiên gần đây hai vợ chồng đã ra tòa ly hôn và người vợ đòi phân chia tài sản muốn dành hết số đất đó. Nếu ly hôn thì chú tôi chỉ được hưởng một phần tư diện tích đất đúng không? Bố và cô tôi có được đòi quyền phân chia tài sản đất của bà nội tôi không? Làm thế nào để đất của ông bà tôi không bị bán hết và vẫn ở lại với gia đình tôi vì bây giờ sổ đỏ đứng tên vợ cũ của chú út. (Thu Hoài – Tuyên Quang)


Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198


Luật gia Nguyễn Thị Hải Yến - Công ty Luật TNHH Everest - Trả lời:


Quyền sử dụng đã được ông bà bạn chuyển nhượng cho gia đình chú út, nhưng vợ của chú út là người đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nếu muốn phân chia quyền sử dụng mảnh đất đó, trước tiên phải xác định được quyền sử dụng mảnh đất là tài sản chung hay tài sản riêng của vợ chồng. Theo nguyên tắc phân chia tài sản được ghi nhận tại Điều 59 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, giải quyết tài sản chung của vợ chồng do các bên thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được có thể yêu cầu Tòa án giải quyết. Tòa án giải quyết dựa trên nguyên tắc tài sản chung của vợ chồng được chia đôi.

Thêm vào đó, Điều 44 Luật Hôn và Gia đình quy định “Vợ, chồng có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng của mình; nhập hoặc không nhập tài sản riêng vào tài sản chung”.

Do đó, khi ly hôn tài sản riêng của vợ chồng vẫn thuộc sở hữu của người đó, còn tài sản chung sẽ được phân chia dựa trên thỏa thuận của mỗi bên. Nếu hai bên không đạt được thỏa thuận, có thể yêu cầu Tòa giải quyết. Nhìn chung, tài sản chung của vợ chồng sẽ được chia đôi.

Để xác định được đây là tài sản chung hay tài sản riêng của vợ chồng cần căn cứ vào nguồn gốc tài sản. Theo Điều 33 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định như sau:

“1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.
2. Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.
3. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung
”.

Ngoài ra, Điều 43 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 định nghĩa tài sản riêng của vợ chồng như sau:

“1. Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.
2. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 33 và khoản 1 Điều 40 của Luật này”.


Trong trường hợp của bạn, nguồn gốc quyền sử dụng đất mà vợ chú út của bạn đang đứng tên có được sau khi kết hôn, là do nhận chuyển nhượng từ ông bà bạn. Dựa trên thông tin bạn đưa ra là ông bà cho cô một mảnh, chú một mảnh, vậy ông bà của bạn đã tặng riêng quyền sử dụng đất cho cô, chú. Nếu bạn không muốn cô út của bạn có toàn quyền sử dụng mảnh đất, bạn sẽ cần chứng minh nguồn gốc tài sản là của ông bà tặng cho chỉ riêng chú út hoặc tặng cho chung cả hai vợ chồng.

Mặc dù hiện tại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do cô út đứng tên, tuy nhiên Điều 34 Khoản 2 Luật Hôn nhân và Gia đình quy định: “Trong trường hợp giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng tài sản chỉ ghi tên một bên vợ hoặc chồng thì giao dịch liên quan đến tài sản này được thực hiện theo quy định tại Điều 26 của Luật này; nếu có tranh chấp về tài sản đó thì được giải quyết theo quy định tại khoản 3 Điều 33 của Luật này”. Theo đó, Khoản 3 Điều 33 quy định trong trường hợp không đủ căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung. Tức là kể cả khi cô út đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng bạn có đủ căn cứ chứng minh quyền sử dụng toàn mảnh đất là tài sản chung của cô chú bạn thì quyền sử dụng toàn bộ mảnh đất sẽ được coi là tài sản chung.

Về quyền đòi chia mảnh đất của bố bạn và cô bạn, ông bà bạn là người có quyền sử dụng mảnh đất, nay đã chuyển nhượng quyền sử dụng đất đi. Theo Điều 188 Luật đất đai 2013, điều kiện thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng quyền sử dụng đất là:

“1. Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có các điều kiện sau đây:
a) Có Giấy chứng nhận, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 168 của Luật này;
b) Đất không có tranh chấp;
c) Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;
d) Trong thời hạn sử dụng đất.
2. Ngoài các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này, người sử dụng đất khi thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; quyền thế chấp quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất còn phải có đủ điều kiện theo quy định tại các điều 189, 190, 191, 192, 193 và 194 của Luật này.
…”


Căn cứ theo quy định điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất và các quy định liên quan, việc ông bà anh (chị) chuyển nhượng quyền sử dụng đất là quyền của ông bà anh (chị), do bố và cô anh (chị) không phải là người có quyền sử dụng đất nên ông bà không cần sự đồng ý của bố và cô anh (chị).

Khuyến nghị:

  1. Bài viết nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật:1900 6198, E-mail:[email protected].