Chính phủ quy định những trường hợp bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
Hỏi: Trường hợp em quên mang theo giấy phép lái xe, nhưng có đầy đủ các giấy tờ khác theo quy định, khi bị CSGT kiểm tra thì em có 1 số thắc mắc sau:1. Em có bị tạm giữ phương tiện không?2. Em có quyền được chứng minh bằng cách về nhà lấy không? và có 1 quy định cụ thể nào về việc này không? Hay chỉ giải quyết theo hướng linh hoạt và tùy thuộc vào CSGT?3. Giả sử buộc phải tạm giữ phương tiện, em có quyền được yêu cầu phải giải quyết trong thời gian sớm nhất không? Hoặc cụ thể thời gian giải quyết ra sao?4. Trường hợp đã thi sát hạch giấy phép lái xe và đang chờ ngày cấp bằng thì trong thời gian đó,em có được coi là đã có GPLX không? (Thanh Tùng - Hải Dương)
Luật gia Ngô Chiến Trung - Tổ tư vấn pháp luật giao thông Công ty Luật TNHH Everest trả lời:
- Thứ nhất, các trường hợp tạm giữ phương tiện khi vi phạm
Trường hợp của bạn khi tham gia giao thông không mang theo GPLX không thuộc 1 trong các trường hợp bị tạm giữ phương tiện theo quy định tại Điều 75 Nghị định 171/2013/NĐ-CP:
"1. Để ngăn chặn ngay vi phạm hành chính, người có thẩm quyền xử phạt được phép tạm giữ phương tiện đến 07 (bảy) ngày trước khi ra quyết định xử phạt đối với những hành vi vi phạm được quy định tại các Điều, Khoản, Điểm sau đây của Nghị định này: a) Điểm b Khoản 5; Điểm b, Điểm d Khoản 7; Khoản 8; Khoản 10 Điều 5; b) Điểm b Khoản 5; Điểm b, Điểm e Khoản 6; Khoản 7; Khoản 8; Khoản 9 Điều 6; c) Điểm d Khoản 4; Điểm a Khoản 6; Khoản 7; Khoản 8 Điều 7; d) Điểm d, Điểm đ Khoản 4 Điều 8 trong trường hợp người vi phạm là người dưới 16 tuổi và điều khiển phương tiện; đ) Khoản 4; Điểm d, Điểm đ Khoản 5 Điều 16; e) Khoản 3 Điều 17; g) Điểm a, Điểm đ Khoản 1 Điều 19; h) Khoản 1; Điểm a, Điểm c Khoản 4; Khoản 5; Khoản 6; Khoản 7 Điều 21".
(Bạn có thể tham khảo tại Nghị định 17/2013/NĐ-CP để biết thêm chi tiết về các trường hợp trên)
Căn cứ các trường hợp trên, trường hợp của bạn khi tham gia giao thông không mang theo GPLX sẽ không bị tạm giữ phương tiện.
- Thứ hai, việc giải quyết khi không mang theo GPLX
Pháp luật không có quy định cụ thể về cách giải quyết trong các trường khi bị CSGT yêu cầu dừng xe kiểm tra. Do đó, vấn đề này sẽ do từng cá nhân có những cách giải quyết khác nhau.
- Thứ ba, về thời gian tạm giữ phương tiện
Tại Khoản 8 Điều 125 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 có quy định:
“Thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề là 07 ngày, kể từ ngày tạm giữ. Thời hạn tạm giữ có thể được kéo dài đối với những vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp, cần tiến hành xác minh nhưng tối đa không quá 30 ngày, kể từ ngày tạm giữ tang vật, giấy phép, chứng chỉ hành nghề.
Đối với vụ việc thuộc trường hợp quy định tại đoạn 2 khoản 1 Điều 66 của Luật này mà cần có thêm thời gian để xác minh thì người có thẩm quyền đang giải quyết vụ việc phải báo cáo thủ trưởng trực tiếp của mình bằng văn bản để xin gia hạn việc tạm giữ; việc gia hạn phải bằng văn bản, thời hạn gia hạn không được quá 30 ngày.
Thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề được tính từ thời điểm tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ thực tế.
Thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề không vượt quá thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Điều 66 của Luật này, trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều này”.
Pháp luật không quy định cụ thể công dân có quyền yêu cầu cơ quan tạm giữ giải quyết nhanh chóng trong trường hợp bị tạm giữ phương tiện hay không.
- Thứ tư, trường hợp đã thi sát hạch GPLX và đang trong thời gian chờ cấp GPLX
Tại Khoản 2 Điều 21 Nghị định 171/2013/NĐ-CP Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có quy định như sau:
“Phạt tiền từ 80.000 đồng đến 120.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: b) Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không mang theo Giấy đăng ký xe; c) Người điều khiển xe mô tô không mang theo Giấy phép lái xe”.
Ngoài ra, tại Khoản 5 Điều 21 Nghị định 171/2013/NĐ-CP quy định:“Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô không có Giấy phép lái xe hoặc sử dụng Giấy phép lái xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp, Giấy phép lái xe bị tẩy xóa”.
Theo quy định trên, người có thẩm quyền xử phạt trong lĩnh vực giao thông chỉ căn cứ vào việc bạn đang tham gia giao thông mà không mang theo hoặc không có giấy phép lái xe để xử phạt mà không căn cứ vào việc bạn đã thi bằng hay chưa.
Do đó, khi bị cảnh sát giao thông kiểm tra mà bạn không có để xuất trình bạn vẫn bị xử phạt.
- Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
- Nội dung bài tư vấn pháp luật giao thông mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Tại thời điểm quý Vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận