-->

Không chịu trả lại đất đã thuê, phải làm thế nào?

Tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 Luật Đất đai năm 2013 và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết.

Hỏi: Tôi có một mảnh đất rừng được cấp sổ đỏ. Năm 2006 tôi cho ông T thuê để trồng rừng, nhưng chúng tôi không viết hợp đồng thuê đất mà chỉ thỏa thuận với nhau. Ông T hứa sẽ trả lại đất cho tôi sau khi ông ấy thu hoạch một vụ keo. Nay ông ấy đã thu hoạch xong cây keo, nhưng ông không chịu trả lại đất, tôi đã nhiều lần đòi lại đất nhưng ông không những không trả mà còn dùng bạo lực để đe dọa tôi. Đề nghị Luật sư tư vấn, bây giờ tôi phải làm đơn gì và gửi đơn ở đâu để đòi lại mảnh đất trên? (Dư Thiên - Huế)

>>> Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
>>> Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Luật gia Trần Thu Trang - Tổ tư vấn pháp luật bất động sản Công ty Luật TNHH Everest trả lời:

Theo quy định của pháp luật, để giải quyết tranh chấp về đất đai, các bên có thể tự thỏa thuận với nhau, nếu thỏa thuận không thành thì có thể nhờ sự can thiệp của cơ quan có thẩm quyền, theo đó hòa giải tại địa phương là thủ tục bắt buộc đầu tiên.

Thủ tục này được quy định tại Điều 202 Luật Đất đai 2013 như sau:

"Điều 202. Hòa giải tranh chấp đất đai

1. Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở.

2. Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải.

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức việc hòa giải tranh chấp đất đai tại địa phương mình; trong quá trình tổ chức thực hiện phải phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác. Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân cấp xã được thực hiện trong thời hạn không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai.

4. Việc hòa giải phải được lập thành biên bản có chữ ký của các bên và có xác nhận hòa giải thành hoặc hòa giải không thành của Ủy ban nhân dân cấp xã. Biên bản hòa giải được gửi đến các bên tranh chấp, lưu tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp.

5. Đối với trường hợp hòa giải thành mà có thay đổi hiện trạng về ranh giới, người sử dụng đất thì Ủy ban nhân dân cấp xã gửi biên bản hòa giải đến Phòng Tài nguyên và Môi trường đối với trường hợp tranh chấp đất đai giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau; gửi đến Sở Tài nguyên và Môi trường đối với các trường hợp khác.

Phòng Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường trình Ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định công nhận việc thay đổi ranh giới thửa đất và cấp mới Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất".

Trong trường hợp việc hòa giải tranh chấp đất đai tại xã không thành anh (chị) có thể viết đơn khởi kiện yêu cầu giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền cao hơn.

Do anh (chị) đã có giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất nên theo khoản 1 Điều 203 Luật Đất đai năm 2013, thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai được quy định như sau: "1. Tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết".

Ngoài ra căn cứ theo quy định tại khoản 7 Điều 25, điểm a khoản 1 Điều 33 và điểm c khoản 1 Điều 35 của Bộ luật tố tụng dân sự đã được sửa đổi, bổ sung như sau:

Điều 25. Những tranh chấp về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án: Tranh chấp về quyền sử dụng đất, về tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật về đất đai" (khoản 7)

Điều 33. Thẩm quyền của Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh

1. Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Tòa án nhân dân cấp huyện) có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp sau đây: Tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình quy định tại Điều 25 và Điều 27 của Bộ luật này" (điểm a).

Điều 35. Thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ

1. Thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được xác định như sau: Tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết những tranh chấp về bất động sản" (điểm c)

Theo các quy định trên, nếu anh (chị) khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết thì Tòa án cấp huyện nơi có bất động sản xảy ra tranh chấp là Tòa án có thẩm quyền.

Khuyến nghị:

  1. Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
  2. Nội dung bài tư vấn pháp luật bất động sản mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Tại thời điểm quý Vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.