Phiên tòa xét xử sơ thẩm, nếu bị đơn đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt thì Toà án vẫn tiến hành xét xử vắng mặt họ.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 164 Bộ luật tố tụng dân sự (BLTTDS), thì cá nhân, cơ quan, tổ chức khởi kiện phải làm đơn khởi kiện. Đơn khởi kiện phải có các nội dung chính quy định tại khoản 2 Điều 164 BLTTĐS, trong đó phải ghi rõ tên, địa chỉ của người bị kiện (điểm đ khoản 2 Điều 164). Trong trường hợp người khởi kiện không thi hành đúng quy định nêu trên, thì Toà án yêu cầu họ phải sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 169 của BLTTĐS. Nếu họ không sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện theo yêu cầu của Toà án, thì Toà án trả lại đơn khởi kiện theo quy định tại khoản 2 Điều 169 của BLTTĐS.Như vậy, nếu đơn khởi kiện không ghi hoặc không ghi đúng địa chỉ của người bị kiện, Tòa án có quyền trả lại đơn khởi kiện.
Tuy nhiên, nếu đơn khởi kiện đã ghi ghi đầy đủ cụ thể và đúng địa chỉ của người bị kiện, nhưng họ không có nơi cư trú ổn định, thường xuyên thay đổi nơi cư trú với mục đích trốn nợ, thì trường hợp này đã được hướng dẫn tại Tiểu mục 8.6 mục 8 Phần I của Nghị quyết số 02/2006/NQ-HĐTP (ngày 12/05/2006, hướng dẫn thi hành các quy định trong Phần thứ hai "Thủ tục giải quyết các vụ án tại Toà án cấp sơ thẩm" của BLTTDS): “Đối với trường hợp trong đơn khởi kiện người khởi kiện có ghi đầy đủ cụ thể và đúng địa chỉ của người bị kiện, của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nhưng họ không có nơi cư trú ổn định, thường xuyên thay đổi nơi cư trú mà không thông báo địa chỉ mới cho người khởi kiện, cho Toà án, nhằm mục đích dấu địa chỉ, trốn tránh nghĩa vụ đối với người khởi kiện, thì được coi là trường hợp người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cố tình dấu địa chỉ. Toà án tiến hành thụ lý giải quyết vụ án theo thủ tục chung”.
Như vậy, người bị kiện không ở địa chỉ đăng ký thường trú (hoặc tạm trú) và người này thay đổi chỗ ở thường xuyên, không cố định để trốn nợ và vụ án không bị xử lý hình sự (hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản), sẽ được Tòa án giải quyết theo thủ tục chung, như sau: Nếu bị đơn đã được Toà án triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn cố tình vắng mặt được coi là vụ án dân sự không tiến hành hoà giải được (khoản 1 Điều 182 BLTTDS).
Đối với phiên tòa xét xử sơ thẩm, nếu bị đơn đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt thì Toà án vẫn tiến hành xét xử vắng mặt họ (khoản 2 Điều 200 BLTTDS).
TheoBáo Lao động, ngày 18.04.2011.
- Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
- Nội dung bài tư vấn pháp luật tố tụng mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Tại thời điểm quý Vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận