Nếu Tòa án triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà bị đơn vẫn không có mặt tại phiên tòa thì tòa án sẽ xét xử vắng mặt bị đơn.
Hỏi: Khi nộp đơn xin ly hôn, tôi nhận được câu trả lời từ thẩm phán, là không xác định được nơi cư trú của chồng, buộc tôi phải xác nhận địa chỉ nhà trọ của chồng mới giải quyết được. Trong khi tôi được biết, chồng tôi thay đổi nhà trọ thường xuyên, làm thế nào mà tôi xác định chính xác được chỗ ở của anh ấy? Nhờ Luật sư tư vấn, Tòa yêu cầu như vậy có đúng pháp luật không? (Ngọc Như - Hà Nội)
Luật gia Trần Bảo Ngọc - Tổ tư vấn pháp luật hôn nhân và gia đình - Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:
Trong trường hợp không biết thông tin về nơi cư trú, làm việc của vợ/chồng thì Tòa án có thẩm quyền giải quyết được quy tại điểm a, khoản 1, Điều 36Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 sửa đổi, bổ sung năm 2011(BLTTDS).
Theo đó, “nếu không biết nơi cư trú, làm việc, trụ sở của bị đơn thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở cuối cùng hoặc nơi bị đơn có tài sản giải quyết”. Tại điểm a, khoản 1, Điều 33 BLTTDS quy định thẩm quyền xét xử về hôn nhân (không có yếu tố nước ngoài) thuộc TAND cấp huyện, nên trường hợp này nguyên đơn nộp hồ sơ yêu cầu giải quyết việc ly hôn của mình tại TAND cấp huyện nơi chồng chị cư trú, làm việc cuối cùng (nếu biết).
Lưu ý, theo quy định của Điều 52 Bộ luật dân sự 2005, thì “1. Nơi cư trú của cá nhân là nơi người đó thường xuyên sinh sống. 2. Trường hợp không xác định được nơi cư trú của cá nhân theo quy định tại khoản 1 Điều này (Điều 52 BLDS) thì nơi cư trú là nơi người đó đang sinh sống”.
+ Theo quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 58, điểm a, khoản 1 Điều 59 BLTTDS, nguyên đơn có nghĩa vụ “cung cấp chứng cứ, chứng minh để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình”. Do đó, nguyên đơn (chị) cần cung cấp các tài liệu, chứng cứ để chứng minh về nơi cư trú cuối cùng của vợ/chồng cho tòa án nơi chị nộp đơn.
+ Theo quy định tại Điều 146 BLTTDS,khi nhận và thụ lý đơn yêu cầu ly hôn của nguyên đơn,tòa án có nghĩa vụ “cấp, tống đạt hoặc thông báo văn bản tố tụng cho đương sự”. Trong trường hợp này, tòa án sẽ thực hiện thủ tục niêm yết công khai để triệu tập bị đơn theo quy định tại khoản 2, khoản 3, Điều 154 BLTTDS, cụ thể như sau:
- “Việc niêm yết công khai văn bản tố tụng do Tòa án trực tiếp hoặc ủy quyền cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú hoặc nơi cư trú cuối cùng của người được cấp, tống đạt hoặc thông báo được thực hiện theo thủ tục sau đây: a) Niêm yết bản chính tại trụ sở Tòa án, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú hoặc nơi cư trú cuối cùng của người được cấp, tống đạt hoặc thông báo; b) Niêm yết bản sao tại nơi cư trú hoặc nơi cư trú cuối cùng của người được cấp, tống đạt hoặc thông báo; c) Lập biên bản về việc thực hiện thủ tục niêm yết công khai, trong đó ghi rõ ngày, tháng, năm niêm yết". (khoản 2)
- "Thời gian niêm yết công khai văn bản tố tụng là mười lăm ngày, kể từ ngày niêm yết”. (khoản 3)
Nếu Tòa án triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà chồng của chị cố tình không có mặt thì tòa lập biên bản về việc không tiến hành hòa giải được và ra quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục chung. Nếu chồng của chị vẫn không có mặt tại phiên tòa thì tòa án sẽ xét xử vắng mặt bị đơn (theo quy định tại Điều 200 BLTTDS).
Khuyến nghị:
- Để có tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198.
- Nội dung tư vấn pháp luật hôn nhân và gia đình mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận