Khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối hoặc bị đe dọa thì có quyền yêu cầu Toà án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu.
Hỏi: Năm 2009, sau khi tòa án giải quyết tranh chấp, nhà tôi thắng kiện và có được một miếng đất . Tòa tuyên miếng đất chia 4 : Ông Minh và ông Hiền một nửa , bố tôi và ông Cao một nửa. Do nếu chia vậy thì miếng đất mỗi người diện tích quá nhỏ, không thể sử dụng, nên tòa thống nhất ai sử dụng sẽ phải trả tiền đền bù cho người kia số tiền 188 triệu đồng, tòa án làm trung gian trong việc giao nhận tiền. Ông Minh nộp tiền cho tòa 188 triệu, ông Hiền nhận và có giấy xác nhận của tòa. Nhà tôi không có tiền nên đã vay của ông Hiền 188 triệuđó để nộp cho tòa , ông Cao nhận tiền từ tòa án và cũng có giấy xác nhận đã nhận tiền từ bố tôi . Việc tòa án lẫn việc vay tiền do mẹ tôi là phận dâu nên ko tham dự và chỉ được biết qua bố tôi kể lại nên mẹ tôi vẫn nghĩ phần đất nhà tôi là của bố tôi và ông Hiền chứ không phải bố tôi với ông Cao .Sau đó do sức khỏe kém,trước ngày bố tôi mất 1 hôm ( đêm hôm sau ông mất ), ông muốn bán miếng đất đó đi để chia tiền cho các con nên đã thỏa thuận bán cho nhà ông Hiền là anh ruột với giá 500 triệu,(lúc này ông Hiền vẫn nói với mẹ tôi là ông có quyền sử dụng một nửa miếng đất nhà tôi nên mẹ tôi cũng ký đồng ý bán với mức giá đó),nhưng nhà ông Hiền ko có tiền nên chỉ đưa 200 triệuvà muốn thay thế bằng một miếng đất khu vực giãn dân giá trị 300 triệu. Nhà tôi đồng ý cầm 200 triệuvà thống nhất khi nào có sổ đỏ miếng đất giãn dân thì nhà tôi sẽ đưa cho nhà ông Hiền sổ đỏ miếng đất nhà tôi. Nhưng tính từ 2009 đến nay đã 6 năm mặc dù nhà tôi có về giục nhiều lần mà nhà bác chưa đưa sổ đỏ cho nhà tôi với lý do khu đất giãn dân đó chưa làm được sổ. Vậy tôi có được yêu cầu tòa án hủy hợp đồng mua bán không (hợp đồng viết tay không công chứng và cũng chưa làm thủ tục sang tên), việc ông Hiền nói rằng ông có quyền sử dụng nửa miếng đất nhà tôi khi làm hợp đồng để mẹ tôi ký là đúng hay sai? Và nếu hủy hợp đồng nhà tôi phải chịu trách nhiệm như thế nào? Tôi rất mong sớm nhận được câu trả lời từ luật sư! (Nguyễn Yến - Nam Định).
>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
Luật gia Nguyễn Đại Hải - Tổ tư vấn pháp luật bất động sản của Công ty Luật TNHH Everest - Trả lời:
Căn cứ vào Điều 132 Bộ luật Dân sự 2005 như sau:
"Điều 132. Giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa
Khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối hoặc bị đe dọa thì có quyền yêu cầu Toà án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu.
Lừa dối trong giao dịch là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó.
Đe dọa trong giao dịch là hành vi cố ý của một bên hoặc người thứ ba làm cho bên kia buộc phải thực hiện giao dịch nhằm tránh thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài sản của mình hoặc của cha, mẹ, vợ, chồng, con của mình".
Căn cứ Điều 134 Bộ luật Dân sự như sau:
"Điều 134. Giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức
Trong trường hợp pháp luật quy định hình thức giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch mà các bên không tuân theo thì theo yêu cầu của một hoặc các bên, Toà án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác quyết định buộc các bên thực hiện quy định về hình thức của giao dịch trong một thời hạn; quá thời hạn đó mà không thực hiện thì giao dịch vô hiệu".
Căn cứ Điều 689 Bộ luật Dân sự như sau:
"Điều 689. Hình thức chuyển quyền sử dụng đất
1. Việc chuyển quyền sử dụng đất được thực hiện thông qua hợp đồng, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này.
2. Hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất phải được lập thành văn bản, có công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật.
3. Việc thừa kế quyền sử dụng đất được thực hiện theo quy định tại các điều từ Điều 733 đến Điều 735 của Bộ luật này".
Như vậy, trong trường hợp của bạn: hợp đồng được xác lập giữa mẹ bạn và ông Hiền thứ nhất không đảm bảo tính trung thực khi ông Hiền có hành vi lừa dối rằng ông Hiền là đồng chủ sở hữu quyền sử dụng đất, thứ hai không tuân thủ quy định của pháp luật về hình thức của hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất khi hợp đồng không được công chứng, chứng thực tại cơ quan có thẩm quyền.
Trong trường hợp này, bạn có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa mẹ bạn và ông Hiền là vô hiệu. Gia đình bạn hoàn toàn không phải chịu trách nhiệm gì khi yêu cầu Tòa tuyên bố hợp đồng vô hiệu.
Khuyến nghị:
- Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
- Nội dung bài tư vấn pháp luật bất động sản mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Tại thời điểm quý Vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận