Đối với trường hợp cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở thì không bắt buộc phải công chứng, chứng thực hợp đồng, trừ trường hợp các bên có nhu cầu.
Luật gia Nguyễn Thị Yến - Tổ tư vấn pháp luật Hợp đồng của Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:
Theo Điều 492 Bộ luật dân sự 2005 (BLDS) quy định về hình thức hợp đồng thuê nhà ở: “Hợp đồng thuê nhà ở phải được lập thành văn bản, nếu thời hạn thuê từ 6 tháng trở lên thì phải có công chứng hoặc chứng thực và phải đăng ký, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”.
Nghị quyết số 52/NQ-CP ngày 10/12/2010 (NQ số 52), về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của bộ tư pháp trong đó có quy định hợp đồng thuê nhà không cần công chứng tại điểm 28 mục III của Nghị quyết, cụ thể như sau:
“Nhóm các thủ tục: Công chứng hợp đồng chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp – B-BTP-052982-TT; Công chứng hợp đồng thuê nhà ở – B-BTP-133520-TT; Công chứng hợp đồng tặng cho nhà ở – B-BTP-133537-TT; Công chứng hợp đồng thế chấp nhà ở – B-BTP-133543-TT; Công chứng hợp đồng góp vốn bằng nhà ở – B-BTP-133548-TT
a) Bãi bỏ quy định bắt buộc công chứng các hợp đồng nói trên, quy định việc công chứng các hợp đồng nói trên được thực hiện theo nhu cầu của các bên tham gia hợp đồng.
b) Bãi bỏ Phiếu yêu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch trong thành phần hồ sơ”.
Khoản 2 Điều 122 Luật nhà ở năm 2014 quy định Công chứng, chứng thực hợp đồng và thời điểm có hiệu lực của hợp đồng về nhà ở như sau:
“2. Đối với trường hợp tổ chức tặng cho nhà tình nghĩa, nhà tình thương; mua bán, cho thuê mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; mua bán, cho thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở phục vụ tái định cư; góp vốn bằng nhà ở mà có một bên là tổ chức; cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở thì không bắt buộc phải công chứng, chứng thực hợp đồng, trừ trường hợp các bên có nhu cầu.
Đối với các giao dịch quy định tại khoản này thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là do các bên thỏa thuận; trường hợp các bên không có thỏa thuận thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là thời điểm ký kết hợp đồng”.
Theo quy định của BLDS, hợp đồng thuê nhà có thời hạn từ 6 tháng trở lên phải được lập thành văn bản và phải công chứng. Tuy nhiên, để giản lược các thủ tục hành chính, tại điểm 28 mục III của NQ số 52 có quy định hợp đồng thuê nhà không cần công chứng. Tại khoản 2 Điều 122 Luật nhà ở cũng quy định hợp đồng cho thuê nhà không bắt buộc phải công chứng, chứng thực hợp đồng, trừ trường hợp các bên có nhu cầu.
Như vậy theo quy định của pháp luật, các hợp đồng cho thuê nhà ở của anh (chị) không bắt buộc phải công chứng, chứng thực hợp đồng, trừ trường hợp các bên giao kết hợp đồng có nhu cầu.
Khuyến nghị:
- Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
- Nội dung bài tư vấn pháp luật Hợp đồng mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Tại thời điểm quý Vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận