tranh chấp thương mại
Hỏi: Doanh nghiệp A có trụ sở tại Việt Nam ký kết 1 hợp đồng mua bán hàng hóa với doanh nghiệp B có trụ sở tại Singapore, Trong hợp đồng các bên thỏa thuận như sau: " Mọi tranh chấp phát sinh từ hoặc liên quan đến hợp đồng này sẽ được giải quyết bằng các biện pháp thương lượng, nếu bất thành, tranh chấp sẽ được giải quyết bằng Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam theo quy tắc tố tụng trọng tài của UNCITRAL có hiệu lực tại thời điểm đó.Nếu các bên không đồng ý với phán quyết của trọng tài thì tranh chấp sẽ được giải quyết chung thẩm tại Tòa án có thẩm quyền của Việt Nam. Hỏi:
1) Thỏa thuận trên có phải là "thỏa thuận trọng tài" hay không?
2) Giả sử khi có tranh chấp hợp đồng, doanh nghiệp B không gửi đơn kiện lên trọng tài như đã thỏa thuận mà gửi lên TÒa án nhân dân TP. Hà Nội nơi có trụ sở của doanh nghiệp A. Tòa án nhân dân TP. Hà Nội có thẩm quyền giải quyết vụ tranh chấp này hay không?
Luật gia Nguyễn Thành Đạt - Tổ tư vấn pháp luật thương mại - Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:
Thỏa thuận trên có phải thòa thuận trọng tài không?
Khoản 2 Điều 2 Luật Trọng tài thương mại 2010 quy định: "Thoả thuận trọng tàilà thoả thuận giữa các bên về việc giải quyết bằng Trọng tài tranh chấp có thể phát sinh hoặc đã phát sinh".
Theo quy định trên thìthỏa thuận trọng tài được hình thành dựa trên ý chí tự nguyện của các bên, có sự thống nhất giữa ý chí (mong muốn bên trong) và sự thể hiện ý chí (hình thức bên ngoài) về việc sử dụng hình thức trọng tài để giải quyết tranh chấp. Điều này được đưa ra xuất phát từ bản chất của sự thỏa thuận. Các bên lựa chọn Trọng tài để giải quyết tranh chấp nếu có phát sinh. Do đó đối với trường hợp của bạn, đây là thỏa thuận trọng tài, thỏa thuận này có thể được lập trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp theo quy định tại Điều 5 Luật Trọng tài thương mại 2010.
"1. Tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài nếu các bên có thoả thuận trọng tài. Thỏa thuận trọng tài có thể được lập trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp.
2. Trường hợp một bên tham gia thoả thuận trọng tài là cá nhân chết hoặc mất năng lực hành vi, thoả thuận trọng tài vẫn có hiệu lực đối với người thừa kế hoặc người đại diện theo pháp luật của người đó, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.
3. Trường hợp một bên tham gia thỏa thuận trọng tài là tổ chức phải chấm dứt hoạt động, bị phá sản, giải thể, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách hoặc chuyển đổi hình thức tổ chức, thỏa thuận trọng tài vẫn có hiệu lực đối với tổ chức tiếp nhận quyền và nghĩa vụ của tổ chức đó, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác".
Khi có thỏa thuận trọng tài, nhưng một bên lại khởi kiện ra Tòa thì tòa án có chấp nhận không?
Điều 6 Luật trọng tài thương mại năm 2010 quy định về việc Toà án từ chối thụ lý trong trường hợp có thoả thuận trọng tài như sau:
"Trong trường hợp các bên tranh chấp đã có thoả thuận trọng tài mà một bên khởi kiện tại Toà án thì Toà án phải từ chối thụ lý, trừ trường hợp thoả thuận trọng tài vô hiệu hoặc thoả thuận trọng tài không thể thực hiện được".
Điều 18 Luật trọng tài thương mại năm 2010 quy định về việc thoả thuận trọng tài vô hiệu như sau:
"1. Tranh chấp phát sinh trong các lĩnh vực không thuộc thẩm quyền của Trọng tài quy định tại Điều 2 của Luật này.
2. Người xác lập thoả thuận trọng tài không có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
3. Người xác lập thoả thuận trọng tài không có năng lực hành vi dân sự theo quy định của Bộ luật dân sự.
4. Hình thức của thoả thuận trọng tài không phù hợp với quy định tại Điều 16 của Luật này.
5. Một trong các bên bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép trong quá trình xác lập thoả thuận trọng tài và có yêu cầu tuyên bố thoả thuận trọng tài đó là vô hiệu.
6. Thỏa thuận trọng tài vi phạm điều cấm của pháp luật".
Theo quy định trênnghĩa là khi đã có thỏa thuận thì việc giải quyết tranh chấp thuộc thẩm quyền của TTTM, nếu một trong các bên khởi kiện ra Tòa thì Tòa án phải từ chối thụ lý, chỉ khi thỏa thuận này không có hiệu lực thì mới thuộc thẩm quyền của Tòa án. Theo quy định trên, Tòa án chỉ thụ lý đơn khởi kiện trong trường hợp đã có thỏa thuận trọng tài nhưng thỏa thuận này vô hiệu hoặc không thể thực hiện được. Như vậy, ngoài trường hợp thỏa thuận trọng tài vô hiệu quy định tại Điều 18Luật TTTM 2010thì thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được cũng được xem là một trường hợp thỏa thuận trọng tài không có hiệu lực. Vấn đề này được quy định tại Khoản 3,4,5 Điều 43Luật TTTM 2010, đặc biệt Điều 4Nghị quyết 01/2014của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao quy định cụ thể, thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được là thỏa thuận trọng tài thuộc một trong 5 trường hợp:
:+ Các bên đã có thỏa thuận giải quyết tranh chấp tại một Trung tâm trọng tài cụ thể nhưng Trung tâm trọng tài này đã chấm dứt hoạt động mà không có tổ chức trọng tài kế thừa và các bên không thỏa thuận được việc lựa chọn Trung tâm trọng tài khác để giải quyết tranh chấp;
+ Các bên đã có thỏa thuận cụ thể về việc lực chọn Trọng tài viên trọng tài vụ việc nhưng tại thời điểm xảy ra tranh chấp, vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan mà Trọng tài viên không thể tham gia giải quyết tranh chấp hoặc Trung tâm trọng tài, Tòa án không thể tìm được Trọng tài viên như các bên thỏa thuận và các bên không thỏa thuận được việc lựa chọn Trọng tài viên khác thay thế;
+ Các bên đã có thỏa thuận cụ thể về việc lựa chọn Trọng tài viên trọng tài vụ việc, nhưng tại thời điểm xảy ra tranh chấp, Trọng tài viên từ chối việc được chỉ định hoặc Trung tâm trọng tài từ chối việc chỉ định Trọng tài viên và các bên không thỏa thuận được việc lựa chọn Trọng tài viên khác để thay thế;
+ Các bên có thỏa thuận giải quyết tại một trung tâm trọng tài nhưng lại thỏa thuận áp dụng Quy tắc tố tụng của Trung tâm trọng tài khác với Quy tắc tố tụng của Trung tâm trọng tài đã thỏa thuận và điều lệ của Trung tâm trọng tài do các bên lựa chọn để giải quyết tranh chấp không cho phép áp dụng Quy tắc tố tụng của Trung tâm trọng tài khác và các bên không thỏa thuận được về việc lựa chọn Quy tắc tố tụng trọng tài thay thế;
+ Nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ và người tiêu dùng có điều khoản về thỏa thuận trọng tài được ghi nhận trong các điều kiện chung về cung cấp hàng hóa, dịch vụ do nhà cung cấp soạn sẵn quy định tại Điều 17Luật TTTM 2010nhưng khi phát sinh tranh chấp người tiêu dùng không đồng ý lựa chọn Trọng tài giải quyết tranh chấp.
Khuyến nghị:
- Để có tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198.
- Nội dung tư vấn pháp luật thương mại mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận