Với những ưu điểm, nhất là không công khai thông tin các bên tranh chấp, những phương thức giải quyết tranh chấp ngoài tòa án ngày càng được doanh nghiệp ưa chuộng, trong đó có phương thức hòa giải thương mại.
Trong quan hệ thương mại, nhà nước khuyến khích các bên sử dụng hòa giải để giải quyết tranh chấp, nhà nước Việt Nam cũng có chủ trương đầu tư đào tạo đội ngũ hòa giải viên thương mại của tổ chức hòa giải thương mại.
Nghị định số 22/2017/NĐ-CP của Chính phủ ngày 24 tháng 02 năm 2017 quy định về hòa giải thương mại đã quy định rõ nguyên tắc, chính sách, điều kiện, trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại.
Thứ nhất, về nguyên tắc hòa giải.
"1. Các bên tranh chấp tham gia hòa giải hoàn toàn tự nguyện và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ. 2. Các thông tin liên quan đến vụ việc hòa giải phải được giữ bí mật, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác. 3. Nội dung thỏa thuận hòa giải không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội, không nhằm trốn tránh nghĩa vụ, không xâm phạm quyền của bên thứ ba." (Điều 4, nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại)
Tranh chấp được giải quyết bằng hòa giải thương mại nếu các bên có thoả thuận hòa giải. Các bên có thể thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng hòa giải trước, sau khi xảy ra tranh chấp hoặc tại bất cứ thời điểm nào của quá trình giải quyết tranh chấp.
Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp sử dụng hòa giải thương mại để giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực thương mại và các tranh chấp khác mà pháp luật quy định được giải quyết bằng hòa giải thương mại; khuyến khích huy động các nguồn lực tham gia hoạt động hòa giải thương mại, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực hòa giải viên thương mại, tổ chức hòa giải thương mại.
Thứ hai, về trình tự hòa giải thương mại.
"1. Các bên có quyền lựa chọn Quy tắc hòa giải của tổ chức hòa giải thương mại để tiến hành hòa giải hoặc tự thỏa thuận trình tự, thủ tục hòa giải. Trường hợp các bên không có thỏa thuận về trình tự, thủ tục hòa giải thì hòa giải viên thương mại tiến hành hòa giải theo trình tự, thủ tục mà hòa giải viên thương mại thấy phù hợp với tình tiết vụ việc, nguyện vọng của các bên và được các bên chấp thuận. 2. Tranh chấp có thể do một hoặc nhiều hòa giải viên thương mại tiến hành theo thỏa thuận của các bên. 3. Tại bất kỳ thời điểm nào trong quá trình hòa giải, hòa giải viên thương mại đều có quyền đưa ra đề xuất nhằm giải quyết tranh chấp. 4. Địa điểm, thời gian hòa giải được thực hiện theo thỏa thuận của các bên hoặc theo lựa chọn của hòa giải viên thương mại trong trường hợp các bên không có thỏa thuận." (Điều 14, trình tự, thủ tục tiến hành hòa giải)
Thứ ba, các hình thức tổ chức hòa giải thương mại.
"1. Trung tâm hòa giải thương mại được thành lập và hoạt động theo quy định tại Nghị định này. 2. Trung tâm trọng tài được thành lập và hoạt động theo pháp luật về trọng tài thương mại thực hiện hoạt động hòa giải thương mại theo quy định tại Điều 23 Nghị định này." (Điều 18, Tổ chức hòa giải thương mại)
Theo Nghị định 22/2017/NĐ-CP, tổ chức hòa giải thương mại gồm: Trung tâm hòa giải thương mại và Trung tâm trọng tài.
- Trung tâm hòa giải thương mại: Trung tâm hòa giải thương mại được thành lập theo quy định tại Nghị định 22/2017/NĐ-CP, có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận.
Trung tâm hòa giải thương mại được lập chi nhánh, văn phòng đại diện ở trong nước và nước ngoài. Cơ cấu tổ chức của Trung tâm hòa giải thương mại do điều lệ của Trung tâm quy định. Chủ tịch Trung tâm hòa giải thương mại là hòa giải viên thương mại.
- Trung tâm trọng tài: Trung tâm trọng tài đã được cấp Giấy phép thành lập và đăng ký hoạt động theo quy định của pháp luật trọng tài thương mại muốn thực hiện hoạt động hòa giải thương mại gửi 1 bộ hồ sơ đến Bộ Tư pháp. Hồ sơ gồm: Giấy đề nghị bổ sung hoạt động hòa giải thương mại theo mẫu do Bộ Tư pháp ban hành; Dự thảo Quy tắc hòa giải của Trung tâm. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Tư pháp ra quyết định bổ sung hoạt động hòa giải thương mại cho Trung tâm trọng tài; trường hợp từ chối thì phải thông báo lý do bằng văn bản. Trung tâm trọng tài thực hiện đăng ký thay đổi nội dung Giấy đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi Trung tâm đăng ký hoạt động.
Các sáng lập viên nộp hồ sơ đề nghị thành lập Trung tâm trọng tài muốn Trung tâm trọng tài được đồng thời thực hiện hoạt động hòa giải thương mại thì trong hồ sơ thành lập Trung tâm trọng tài gửi kèm theo Dự thảo Quy tắc hòa giải. Nội dung Quy tắc hòa giải của Trung tâm trọng tài không được trái quy định của pháp luật.
Các tranh chấp kinh tế, thương mại hiện đang phát sinh với số lượng ngày càng nhiều, đa dạng và phức tạp hơn đòi hỏi phải có những cơ chế giải quyết tranh chấp linh hoạt, phù hợp với thông lệ quốc tế và nhu cầu thực tiễn của Việt Nam, góp phần tạo môi trường đầu tư kinh doanh ổn định. Một phương thức giải quyết tranh chấp rất phổ biến trên thế giới, đặc biệt tại các quốc gia có nền kinh tế phát triển, chính là hòa giải thương mại. Cùng với thương lượng và trọng tài, hòa giải được coi là một trong những phương thức giải quyết tranh chấp thay thế và rất được các doanh nhân ưa chuộng do những ưu điểm vượt trội của các phương thức này so với tố tụng tòa án.
Luật gia Nguyễn Thị Hoài Thương - Phòng tư vấn doanh nghiệp của Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn 1900 6198, tổng hợp.
Khuyến nghị:
- Bài viết nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
- Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
- Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, E-mail: [email protected], [email protected].
Bình luận