Cho vay nợ có thế chấp bằng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có bắt buộc phải công chứng, chứng thực hay không ....
Hỏi: Vừa qua, tôi có cho bạn vay ba trăm triệu đồng và thế chấp bằng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình bạn tôi. Nhưng chúng tôi chỉ lập giấy cho vay và thế chấp viết tay có chữ ký của hai bên (không có công chứng, chứng thực). Đề nghị luật sư tư vấn cho tôi việc cho vay tài sản có thế chấp bằng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có cần công chứng, chứng thực hay không? (Lê Thị Vinh – Thái Nguyên)
Luật gia Nguyễn Tùng Hoa -Công ty LuậtTNHH Everest- trả lời:
Chúng tôi trích dẫn một số quy định của pháp luật để chị tham khảo, như sau:
Bộ luật dân sự năm 2005 quy đinh:
“Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định”(Điều 471)
“Hình thức giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch trong trường hợp pháp luật có quy định. Hợp đồng vay tài sản được coi là hợp pháp khi đáp ứng đầy đủ các quy định về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự được quy định tại”(khoản 2 Điều 122)
“Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên sử dụng đất (sau đây gọi là bên thế chấp) dùng quyền sử dụng đất của mình để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ dân sự với bên kia (sau đây gọi là bên nhận thế chấp). Bên thế chấp được tiếp tục sử dụng đất trong thời hạn thế chấp” (Điều 715)
Luật Đất đai năm 2013 quy định:
“Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp kinh doanh bất động sản quy định tại điểm b khoản này” (điểm a khoản 3 Điều 167)
Về hình thức của hợp đồng vay tài sản, pháp luật dân sự hiện nay không có quy định cụ thể về hình thức của hợp đồng này đồng thời không quy định hợp đồng vay tài sản phải được công chứng, chứng thực, do đó, hợp đồng vay tài sản có thể được giao kết bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể.
Tuy nhiên, trong trường hợp của chị, hợp đồng vay tài sản được đảm bảo bằng việc thế chấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không được công chứng, chứng thực, hai bên chỉ giao cho nhau Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà không làm thủ tục công chứng hoặc chứng thực là trái với quy định của pháp luật theo điểm a khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai năm 2013.
Khuyến nghị:
- Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
- Nội dung bài tư vấn pháp luật bất động sản mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Tại thời điểm quý vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận