Kể từ ngày Nghị định số 71/2010/NĐ-CP có hiệu lực, trên địa bàn một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, mỗi hộ gia đình hoặc cá nhân chỉ được tham gia góp vốn dưới hình thức phân chia sản phẩm là nhà ở một lần với số lượng một nhà ở.
Việc tổ chức, cá nhân góp vốn đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại được nêu cụ thể tại Nghị định số 71/2010/NĐ-CP của Chính phủ, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở (có hiệu lực từ ngày 8-8-2010) và Thông tư số 16/2010/TT-BXD của Bộ Xây dựng (ban hành ngày 1-9-2010, sẽ có hiệu lực từ ngày 16-10-2010).
Theo các văn bản trên, trường hợp chủ đầu tư dự án phát triển khu nhà ở, dự án khu đô thị mới (chủ đầu tư cấp I) có nhu cầu huy động vốn để đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đối với phần diện tích xây dựng nhà ở và đầu tư xây dựng nhà ở trong khu nhà ở, khu đô thị đó, được huy động vốn dưới một số hình thức, trong đó có hình thức ký hợp đồng, văn bản góp vốn, hoặc hợp đồng, văn bản hợp tác đầu tư với tổ chức, cá nhân. Đối với các dạng hợp đồng, văn bản kể trên, căn cứ thỏa thuận, bên tham gia góp vốn, hoặc bên tham gia hợp tác đầu tư sẽ được phân chia lợi nhuận bằng tiền, hoặc cổ phiếu, hoặc được phân chia sản phẩm là nhà ở theo tỷ lệ vốn góp. Nếu các bên thỏa thuận phân chia sản phẩm là nhà ở thì chủ đầu tư chỉ được phân chia cho các đối tượng thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Với tất cả các hình thức huy động vốn, số lượng nhà ở được phân chia không vượt quá 20% số lượng nhà ở thương mại trong mỗi dự án (số lượng nhà ở được phân chia không phải thông qua sàn giao dịch bất động sản). Khi phân chia, chủ đầu tư có thể phân chia cả ba loại nhà ở là nhà biệt thự, nhà ở riêng lẻ, căn hộ chung cư; tuy nhiên trong hợp đồng phải nêu rõ số lượng, diện tích, vị trí và loại nhà ở sẽ phân chia cho bên tham gia góp vốn.
Kể từ ngày Nghị định số 71/2010/NĐ-CP có hiệu lực, trên địa bàn một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, mỗi hộ gia đình hoặc cá nhân chỉ được tham gia góp vốn dưới hình thức phân chia sản phẩm là nhà ở một lần với số lượng một nhà ở (không phân biệt loại nhà); các trường hợp góp vốn khác, hộ gia đình, cá nhân chỉ được phân chia lợi nhuận bằng tiền, hoặc cổ phiếu. Đối với tổ chức tham gia góp vốn để được phân chia nhà ở, sau đó phân chia lại nhà ở cho các hộ gia đình, cá nhân thì tổ chức này phải gửi danh sách các hộ gia đình, cá nhân được phân chia lại nhà ở để chủ đầu tư đề nghị Sở Xây dựng xác nhận danh sách theo quy định.
Bên được phân chia nhà ở không được chuyển nhượng quyền được phân chia nhà ở cho tổ chức, cá nhân khác khi chưa ký hợp đồng mua bán nhà ở với chủ đầu tư. Trường hợp người được phân chia nhà ở bị chết, người được thừa kế sẽ được hưởng quyền được phân chia nhà ở này.
- Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
- Nội dung bài tư vấn pháp luật bất động sản mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Tại thời điểm quý Vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận