Giáo viên dạy nghề trong quân đội có được hưởng trợ cấp độc hại không?

Phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được tính theo số giờ dạy thực hành thực tế của ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Hỏi: Tôi là giáo viên dạy nghề rèn trong trường quân đội. Nghề rèn là nghề được xếp vào danh mục nghề độc hại nguy hiểm. Vậy tôi là giáo viên tôi có được hưởng phụ cấp độc hại nguy hiểm hay không? Phụ cấp độc hại nguy hiểm nếu được tính thì tính ở mức nào? (Nguyễn Quang Thắng - Thái Nguyên)


>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Luật gia Ngô Đức Cường - Tổ tư vấn pháp luật lao động của Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:

Thứ nhất, về đối tượng được hưởng: Trước hết, cần phải làm rõ hình thức đào tạo nghề của nơi anh (chị) làm việc ở trong quân đội. Trường nghề này là trường cao đẳng, trung cấp…hay chỉ là cơ sở đào tạo tư thục. Đối tượng nhà giáo được hưởng trợ cấp độc hại, nguy hiểm được quy định tại Điều 1 Nghị định 113/2015/NĐ-CP quy định phụ cấp đặc thù, phụ cấp ưu đãi, phụ cấp trách nhiệm công việc và phụ cấp nặng, nhọc độc hại, nguy hiểm đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập như sau: “Nghị định này quy định chế độ phụ cấp đặc thù đối với nhà giáo dạy tích hợp, nhà giáo là nghệ nhân, người có trình độ kỹ năng nghề cao dạy thực hành; phụ cấp ưu đãi, phụ cấp trách nhiệm công việc đối với nhà giáo dạy cho người khuyết tật; phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đối với nhà giáo dạy thực hành trực tiếp giảng dạy trong các trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trường trung cấp, trường cao đẳng công lập (sau đây gọi chung là cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập), có hợp đồng làm việc xác định thời hạn hoặc không xác định thời hạn”. Như vậy, nếu nơi anh (chị) giảng dạy thuộc một trong các hình thức quy định trên, đáp ứng điều kiện hưởng Luật định thì anh (chị) sẽ được hưởng trợ cấp độc hại khi làm việc trong môi trường có yếu tố độc hại. Còn nếu địa điểm giảng dạy là cơ sở tư thục, không nằm trong phạm vi trên thì sẽ không được hưởng trợ cấp nặng nhọc, độc hại.

Thứ hai, về mức hưởng: Điều 11, 12 Nghị định 113/2015/NĐ-CP quy định về mức phụ cấp và cách hưởng như sau: “Phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được tính theo mức Iương cơ sở, gồm các mức sau đây: 1. Mức 0,1 áp dụng đối với nhà giáo dạy thực hành ngành, nghề học có một trong các yếu tố nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm quy định tại Khoản 1 Điều 10 Nghị định này. 2. Mức 0,2 áp dụng đối với nhà giáo dạy thực hành ngành, nghề học có hai trong các yếu tố nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm quy định tại Khoản 1 Điều 10 Nghị định này. 3. Mức 0,3 áp dụng đối với nhà giáo dạy thực hành ngành, nghề học có ba trong các yếu tố nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm quy định tại Khoản 1 Điều 10 Nghị định này. 4. Mức 0,4 áp dụng đối với nhà giáo dạy thực hành ngành, nghề học có bốn yếu tố nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm quy định tại Khoản 1 Điều 10 Nghị định này. Điều 12. Cách tính, hưởng 1. Phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được tính theo số giờ dạy thực hành thực tế của ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. 2. Phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được trả cùng kỳ lương hàng tháng và không dùng để tính đóng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội”.

Khuyến nghị:
  1. Để có tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198.
  2. Nội dung tư vấn pháp luật lao động mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.