Vợ hoặc chồng có quyền yêu cầu ly hôn khi một trong hai bên vi phạm nghiêm trong nghĩa vụ vợ chồng, dẫn tới đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được.
Hỏi: Giải quyết yêu cầu ly hôn, người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn và phân chia tài sản chung vợ chồng. Tôi và vợ tôi quen biết và kết hôn đã được 10 năm, có 2 cháu cháu lớn sinh năm 2012, cháu nhỏ sinh 2014. Vợ chồng tôi sống chung với ông bà ngoại và mẹ của tôi, cuộc sống gia đình tôi rất hạnh phúc, vui vẻ. Nhưng thời gian gần đây, do công việc làm ăn gặp khó khăn nên hai vợ chồng tôi có cự cãi nhau, ấu đả nhau, nhưng rồi cũng làm hòa lại bình thường. Ngày mùng 1 tết năm nay tôi, vợ và 2 con cùng đi chúc tết bên vợ nhưng đến chiều thì bên vợ không cho tôi chở vợ con về và có đề cập đến việc ly hôn. Ngày mùng 3 tết tôi xuống rước vợ con về nhưng không ai cho, dường như vợ tôi chịu sự áp đặc của bên vợ do vậy tôi quay về 1 mình. Chiều ngày hôm đó, tôi buồn quá trong phút nông nổi tôi đã có suy nghĩ dại dột nhưng được gia đình phát hiện và đưa đi cứu chữa kịp thời. Bà và mẹ của tôi có xuống nhà ngoại vợ để rước vợ tôi về nhưng không nhận được sự đồng tình. Cách đây 3 tuần, 3 ngày chủ nhật liên tiếp tôi xuống rước vợ con về nhưng bên vợ không chịu, không cho tôi gặp vợ con, còn đuổi tôi về và còn nói rằng: bắt vợ tôi phải ly hôn với tôi, nếu vợ tôi trở về chung sống với tôi thì bên vợ sẽ từ. Ông bà và mẹ tôi rất nhớ 2 cháu đến phát bệnh, tiều tụy. Tôi thì như mất đi sự sống, giờ tôi biết phải làm sao. Nếu như khi ra tòa tôi phải nói gì đây. (Hương Sen -Hà Đông)
Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
Luật gia Nguyễn Thanh Thu - Tổ tư vấn pháp luật hôn nhân gia đình Công ty Luật TNHH Everest trả lời:
Theo quy định tại Luật hôn nhân và gia đình 2014 một bên vợ hoặc chồng hoặc cả 2 vợ chồng có quyền yêu cầu tòa án có thẩm quyền giải quyết ly hôn. Trường hợp này vợ bạn muốn đơn phương ly hôn, Tòa án sẽ triệu tập bạn đến Tòa để giải quyết việc ly hôn.
Điều 56. Ly hôn theo yêu cầu của một bên:"1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được".
Khi được Tòa án triệu tập, bạn có nghĩa vụ có mặt theo giấy triệu tập của Tòa và có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết về ly hôn, nuôi con và phân chia tài sản khi ly hôn.
Về việc ly hôn, Tòa án sẽ căn cứ vào cuộc sống hôn nhân hiện tại của vợ chồng bạn để xem xét giải quyết việc ly hôn.
Bạn có thể thỏa thuận với vợ bạn về có việc phân chia tài sản chung và người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn. Nếu không thỏa thuận được thì sẽ được giải quyết như sau:
Về phân chia tài sản chung:
Điều 59. Nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn:"2. Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:a) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coinhư lao động có thu nhập;c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;d) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng".
Về quyền nuôi con sau khi ly hôn, theo thông tin bạn cung cấp thì cháu bé 2 tuổi do đó vợ bạn được quyền ưu tiên nuôi dưỡng theo quy định sau:
Điều 81. Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn:"3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con".
Đối với cháu lớn 4 tuổi, Tòa án sẽ căn cứ vào khả năng thực tế về điều kiện vật chất, tinh thần để quyết định ai sẽ là người trực tiếp nuôi dưỡng. Nếu bạn có thể mang lại cuộc sống vật chất và tinh thần cho con tốt hơn vợ bạn thì bạn sẽ giành được quyền nuôi con trong trường hợp này.
Khuyến nghị:
- Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
- Nội dung bài tư vấn pháp luật Hôn nhân và Gia đình mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Tại thời điểm quý Vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận