-->

Giải quyết thế nào khi người tay tiền chậm trả lãi vay?

Trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thể thực hiện được nghĩa vụ dân sự do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác

Hỏi: Tầm khoảng năm 2012 chồng tôi đã có mua góp 1 xe nouvo 5 thời hạn trả là 18 tháng và đã trả xong đúng thời hạn và không trễ kì nào,đươc xếp vào hợp đồng tốt sau khi trả xong nhân viên liên tục gọi điện bảo là sẽ cho vay tiêu dùng với mức tiền mặt là 20.000.000 đồng.Chồng tôi đã 2 3 lần từ chối,nhưng nhân viên vẫn cứ gọi sau 1 tháng gia đình cũng đang kẹt nên đồng ý vay và gặp nhân viên kí hợp đồng ở ngoài đường mà nhân viên cứ hối là kí nhanh còn đi ký với nhiều khách hàng khác nữa.tôi thì cũng hơi sợ nhưng nhân viên tư vấn nghe rất cuốn hút nên nghĩ không sao và chấp nhận vay. Mỗi tháng đóng 2.031.000 thời hạn là 18 tháng và vợ chồng tôi đã đóng đầy đủ , và do nhu cầu công việc nên e đã góp thêm 1 cái điện thoại 3.000.000 thời hạn 8 tháng mỗi tháng 429.000đồng đưa trước 800.000đồng.Một tháng e phải thanh toán cho home credit la 2.460.000đồng . Do vợ chồng tôi bị trục trặc về công việc làm thất nghiệp cho đến thời điểm hiện tại vợ chồng tôi cũng chưa có công việc.Nhưng vợ chồng tôi cũng cố gắng thanh toán tiền, không bỏ sót tháng nào. Do khó khăn nên vợ chồng tôi đã thanh toán trễ hạn và bị phạt.Nhân viên liên tục gọi điên cho người thân 2 bên gia đình. Mới đây e đóng trễ 1 ngày và bị phạt nhân viên điện thoại nạt nộ nói chuyện rất thiếu lịch sự và dọa sẽ gửi đơn về chính quyền địa phương và ra tòa. Đề nghị Luật sư tư vấn, nếu công ty khởi kiện thì sẽ có hậu quả pháp lý như thế nào? (Hồng Nga - Phú Thọ)

Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Luật gia Phạm Văn Lâm - Tổ tư vấn pháp luật Hành chính - Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:
- Theo Bộ luật Dân sự số 33/2005/QH11 của Quốc hội

"Điều 302. Trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ dân sự

1. Bên có nghĩa vụ mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì phải chịu trách nhiệm dân sự đối với bên có quyền.

2. Trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thể thực hiện được nghĩa vụ dân sự do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

3. Bên có nghĩa vụ không phải chịu trách nhiệm dân sự nếu chứng minh được nghĩa vụ không thực hiện được là hoàn toàn do lỗi của bên có quyền."

"Điều 305. Trách nhiệm dân sự do chậm thực hiện nghĩa vụ dân sự

1. Khi nghĩa vụ dân sự chậm được thực hiện thì bên có quyền có thể gia hạn để bên có nghĩa vụ hoàn thành nghĩa vụ; nếu quá thời hạn này mà nghĩa vụ vẫn chưa được hoàn thành thì theo yêu cầu của bên có quyền, bên có nghĩa vụ vẫn phải thực hiện nghĩa vụ và bồi thường thiệt hại; nếu việc thực hiện nghĩa vụ không còn cần thiết đối với bên có quyền thì bên này có quyền từ chối tiếp nhận việc thực hiện nghĩa vụ và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

2. Trong trường hợp bên có nghĩa vụ chậm trả tiền thì bên đó phải trả lãi đối với số tiền chậm trả theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời gian chậm trả tại thời điểm thanh toán, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác."

"Điều 307. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại

1. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại bao gồm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về vật chất, trách nhiệm bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần.

2. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại về vật chất là trách nhiệm bù đắp tổn thất vật chất thực tế, tính được thành tiền do bên vi phạm gây ra, bao gồm tổn thất về tài sản, chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại, thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút.

3. Người gây thiệt hại về tinh thần cho người khác do xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người đó thì ngoài việc chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai còn phải bồi thường một khoản tiền để bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị thiệt hại."

"Điều 427. Thời hiệu khởi kiện về hợp đồng dân sự

Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Toà án giải quyết tranh chấp hợp đồng dân sự là hai năm, kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân, các chủ thể khác bị xâm phạm."

"Điều 471. Hợp đồng vay tài sản

Hợp đồng vay tài sản là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định."

"Điều 474. Nghĩa vụ trả nợ của bên vay

1. Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

2. Trong trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý.

3. Địa điểm trả nợ là nơi cư trú hoặc nơi đặt trụ sở của bên cho vay, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

4. Trong trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi đối với khoản nợ chậm trả theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn chậm trả tại thời điểm trả nợ, nếu có thoả thuận.

5. Trong trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi trên nợ gốc và lãi nợ quá hạn theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ."

"Điều 476. Lãi suất

1. Lãi suất vay do các bên thoả thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng.

2. Trong trường hợp các bên có thoả thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất hoặc có tranh chấp về lãi suất thì áp dụng lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ."

- Theo Bộ Luật Hình sự 1999

"Điều 163. Tội cho vay lãi nặng

1. Người nào cho vay với mức lãi suất cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ mười lần trở lên có tính chất chuyên bóc lột, thì bị phạt tiền từ một lần đến mười lần số tiền lãi hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến một năm.

2. Phạm tội thu lợi bất chính lớn thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ một lần đến năm lần số lợi bất chính, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Cho vay tiêu dùng là hoạt động cung cấp các khoản vay cho cá nhân để mua hàng hóa, dịch vụ phục vụ cho các mục đích tiêu dùng của cá nhân và hộ gia đình. Các khoản cho vay tiêu dùng ngày nay thường được cung ứng bởi ngân hàng và các tổ chức tín dụng phi ngân hàng, dưới các hình thức như cho vay mua xe máy trả góp, cho vay mua điện thoại – điện máy trả góp, cho vay tiền mặt cho các mục đích tiêu dùng, cho vay qua thẻ tín dụng, v.v.Hoạt động cho vay tiêu dùng xuất hiện nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của các cá nhân khi năng lực tài chính chưa đủ để trang trải nhu cầu, cho phép họ có thể tiêu dùng trước - chi trả sau dưới nhiều hình thức."

Như vậy có thể thấy trường hợp của anh (chị) thực chất là anh (chị) đã kí kết giao dịch vay tài sản có thỏa thuận về lãi và thời hạn trả với công ty.Do đó về nguyên tắc thì anh (chị) phải trả cho bên cho vay đúng thời hạn và số lượng theo thỏa thuận giũa hai bên.Khi người anh (chị) của anh (chị) không thể thực hiện được nghĩa vụ theo hợp đồng thì anh (chị) đó có thể thương lượng, thỏa thuận với công ty về việc hoãn thực hiện nghĩa vụ trả nợ, gia hạn trả nợ… Hai bên có thể tự thương lượng với nhau để tìm ra phương án giải quyết tốt nhất, đảm bảo được quyền và lợi ích của hai bên. Tuy nhiên, nếu anh (chị) không có khả năng trả nợ thì công ty có quyền khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật. Thời hiệu khởi kiện về hợp đồng dân sự theo qui định của pháp luật hiện hành là 2 năm kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân, các chủ thể khác bị xâm phạm.Khi anh (chị) không trả đầy đủ và đúng hẹn như đã thỏa thuận thì anh (chị) phải chịu trách nhiệm dân sự đối với công ty,trả tiền góc lẫn lãi và cả tiền lãi quá hạn cho công ty.Ngoài ra anh (chị) còn có thể phải bồi thường thiệt hại cho công ty nếu việc trả chậm,trả không đầy đủ của anh (chị) gây ra thiệt hại.

Do thông tin anh (chị) cung cấp không đầy đủ về thời gian nên xin được tư vấn cho anh (chị) như sau: anh (chị) cần xem xét xem mức lãi suất của công ty cho anh (chị) vay là bao nhiêu cao hơn so với mức lãi suất cơ bản tại thời điểm anh (chị) vay là bao nhiêu phần trăm?theo qui định pháp luật hiện hành chỉ cho phép các bên tham gia vào quan hệ vay tài sản thỏa thuận mức lãi suất vay không quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng.Nếu mức lãi suất mà công ty cho anh (chị) vay cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ mười lần trở lên có tính chất chuyên bóc lột thì bị phạt tiền từ một lần đến mười lần số tiền lãi hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến một năm theo qui định của bộ luật hình sự.Tính chất chuyên bóc lột được hiểu là người phạm tội lợi dụng việc cho vay, lợi dụng hoàn cảnh khó khăn cấp bách của người đi vay để cho vay với lãi suất cao (lãi nặng) nhằm thu lợi bất chính mà thực chất là bóc lột người đi vay.

Tính chất chuyên bóc lột của hành vi cho vay lãi nặng thể hiện ở chỗ: người phạm tội thực hiện hành vi cho vay lãi nặng nhiều lần, hành vi mang tính chuyên nghiệp, người phạm tội lấy việc cho vay lãi nặng làm một nghề kiếm sống và lấy kết quả của việc phạm tội làm nguồn sống chính .Tuy nhiên do luật hình sự của nước ta chỉ áp dụng trách nhiệm hình sự với cá nhân,không áp dụng với pháp nhân nên nếu như công ty vi phạm pháp luật thì người đứng đầu công ty sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật với hành vi vi phạm của mình, nhân viên làm việc trong công ty có thể sẽ bị xử lý theo điều lệ của công ty.

Nếu công ty cho vay chưa đạt tới mức pháp luật hình sự qui định để những người có trách nhiệm của công ty bị truy cứu trách nhiệm hình sự,nhưng lại vượt quá mức lãi suất mà pháp luật dân sự cho phép thì công ty cho anh (chị) vay tiêu dùng có thể bị xử lí vi phạm hành chính về hành vi cho vay lãi suất vượt quá pháp luật cho phép.Trong trường hợp này hợp đồng vay của anh (chị) với công ty sẽ bị vô hiệu một phần – phần lãi suất cho vay do vi phạm quy định pháp luật. Theo đó, mức lãi suất có thể sẽ được tính theo mức lãi suất tối đa theo quy định của pháp luật tiền đã vay cho công ty kèm tiền lãi do pháp luật qui định.

Khuyến nghị:
  1. Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
  2. Nội dung bài tư vấn pháp luật Hành chính mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Tại thời điểm quý Vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.