Gây thương tích cho người khác dưới 11%, có bị xử lý hình sự?

Ngoài việc có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự người gây thương tích cho người khác có thể phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật tùy theo mức độ vi phạm.

Khách hàng Nguyễn Trường (Thái Nguyên) đề nghị luật sư tư vấn, người gây thương tích 07% cho người khác có bị truy cứu trách nhiệm hình sự?

Nội dung yêu cầu của khách hàng tóm tắt như: Tôi vừa bị một thanh niên dùng dao chém gây thương tích do va chạm khi đi đường, tôi được tổ tuần tra của công an phường đi ngang qua kịp thời ngăn cản và được cứu. Theo kết quả giám định, tôi bị thương tật 07%. Tuy nhiên công an lại không bắt anh ta mà chỉ phạt rồi tha về. Xin hỏi, người gây thương tích cho tôi sẽ bị xử lý thế nào? Thái độ, hành động của người thanh niên đó rất hung tợn, coi thường đạo lý và pháp luật, chẳng lẽ không có cách gì xử lý mạnh tay với những người đang gây tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho xã hội như thế?
Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198


Luật gia Nguyễn Thị Yến - Trưởng nhóm tư vấn pháp luật trực tuyến của Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:

Thứ nhất, xử phạt hành chính đối với hành vi xâm hại đến sức khỏe của người khác

Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 quy định, hành vi xâm hại sức khỏe người khác như sau:

"3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: (a) Tàng trữ, cất giấu trong người, đồ vật, phương tiện giao thông các loại dao, búa, các loại công cụ, phương tiện khác thường dùng trong lao động, sinh hoạt hàng ngày nhằm mục đích gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích cho người khác; (b) Lôi kéo hoặc kích động người khác gây rối, làm mất trật tự công cộng; (c) Thuê hoặc lôi kéo người khác đánh nhau; (d) Gây rối trật tự tại phiên tòa, nơi thi hành án hoặc có hành vi khác gây trở ngại cho hoạt động xét xử, thi hành án; (đ) Gây rối trật tự tại nơi tổ chức thi hành quyết định cưỡng chế; (e) Xâm hại hoặc thuê người khác xâm hại đến sức khỏe của người khác; (g) Lợi dụng quyền tự do dân chủ, tự do tín ngưỡng để lôi kéo, kích động người khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; (h) Gây rối hoặc cản trở hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức; (i) Tập trung đông người trái pháp luật tại nơi công cộng hoặc các địa điểm, khu vực cấm; (k) Tổ chức, tạo điều kiện cho người khác kết hôn với người nước ngoài trái với thuần phong mỹ tục hoặc trái với quy định của pháp luật, làm ảnh hưởng tới an ninh, trật tự, an toàn xã hội; (l) Viết, phát tán, lưu hành tài liệu có nội dung xuyên tạc bịa đặt, vu cáo làm ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức, cá nhân; (m) Tàng trữ, vận chuyển “đèn trời” (Điểm e khoản 3 Điều 5).

Như vậy theo quy định của pháp luật, hành vi gây tổn hại cho sức khỏe của người khác có thể bị xử phạt từ từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng tùy theo mức độ vi phạm.

Thứ hai, xử lý hình sự đối với hành vi xâm hại đến sức khỏe của người khác

Việc xử lý hình sự chỉ xảy ra khi thỏa mãn các yếu tố trong khoản 1 Điều 104 Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định như sau:

"1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm: (a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người; (b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân; (c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người; (d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ; (đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình; (e) Có tổ chức; (g) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục; (h) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê; (i) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm; (k) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân”.

Như vậy theo quy định của pháp luật, dù tỷ lệ thương tật dưới 11%, anh (chị) vẫn có cơ sở để kiện người hành hung mình dựa vào các tình tiết tăng nặng như dùng hung khí nguy hiểm và có tính chất côn đồ.

Trường hợp, anh (chị) chỉ giải quyết ở công an xã, phường thì theo Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định như sau:

"3. Trưởng Công an cấp xã, Trưởng đồn Công an, Trạm trưởng Trạm Công an cửa khẩu, khu chế xuất có quyền: (a) Phạt cảnh cáo; (b) Phạt tiền đến 5% mức tiền phạt tối đa đối với lĩnh vực tương ứng quy định tại Điều 24 của Luật này nhưng không quá 2.500.000 đồng; (c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt được quy định tại điểm b khoản này; (d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, c và đ khoản 1 Điều 28 của Luật này" (khoản 3 Điều 39).

Như vậy, trưởng công an xã, phường có thẩm quyền phạt tiền không quá 2.500.000 đồng.

Thứ ba, về bồi thường thiệt hại

Điều 590 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm như sau:

"1. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm: (a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại; (b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại; (c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại; (d) Thiệt hại khác do luật quy định.

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định".

Như vậy, ngoài việc có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự người xâm hại sức khỏe của người khác có thể phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật tùy theo mức độ vi phạm.

Khuyến nghị:

  1. Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
  2. Nội dung bài tư vấn pháp luật hôn nhân và gia đình mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Tại thời điểm quý Vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.