-->

Email có được coi là chứng cứ không?

Thư điện tử (email) là một hình thức thể hiện thông điệp dữ liệu không bị phủ nhận giá trị dùng làm chứng cứ. Tuy nhiên, email có được coi là chứng cứ hay không còn phụ thuộc vào việc thỏa mãn điều kiện quy định của pháp luật.

Hỏi: Tôi cho bạn vay tiền nhưng không có giấy tờ vay nợ mà chỉ có xác nhận qua thư điện tử (email). Đề nghị Luật sư tư vấn, nếu tôi kiện bạn tôi về việc trốn nợ thì email đó có được coi là chứng cứ không? Có cần điều kiện gì không? (Nguyễn Hòa - Gia Lai)

c

>>>Luật sư tư vấnpháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Luật gia Nguyễn Mỹ Linh-Công ty LuậtTNHH Everest - trả lời:

Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2004 (BLTTDS) quy định như sau:

“Chứng cứ trong vụ việc dân sự là những gì có thật được đương sự và cá nhân, cơ quan, tổ chức khác giao nộp cho Toà án hoặc do Toà án thu thập được theo trình tự, thủ tục do BLTTDS quy định mà Toà án dùng làm căn cứ để xác định yêu cầu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp hay không cũng như những tình tiết khác cần thiết cho việc giải quyết đúng đắn vụ việc dân sự” (Điều 81).

Luật Giao dịch điện tử năm 2005 (LGDĐT):

“Thông điệp dữ liệu (TĐDL) được thể hiện dưới hình thức trao đổi dữ liệu điện tử, chứng từ điện tử, thư điện tử, điện tín, điện báo, fax và các hình thức tương tự khác” (Điều 10).

“TĐDL có giá trị làm chứng cứ: 1. TĐDL không bị phủ nhận giá trị dùng làm chứng cứ chỉ vì đó là một TĐDL; 2. Giá trị chứng cứ của TĐDL được xác định căn cứ vào độ tin cậy của cách thức khởi tạo, lưu trữ hoặc truyền gửi TĐDL; cách thức bảo đảm và duy trì tính toàn vẹn của TĐDL; cách thức xác định người khởi tạo và các yếu tố phù hợp khác” ( Điều 14).

“TĐDL có giá trị như bản gốc khi đáp ứng được các điều kiện sau đây: 1. Nội dung của TĐDL được bảo đảm toàn vẹn kể từ khi được khởi tạo lần đầu tiên dưới dạng một TĐDL hoàn chỉnh. Nội dung của TĐDL được xem là toàn vẹn khi nội dung đó chưa bị thay đổi, trừ những thay đổi về hình thức phát sinh trong quá trình gửi, lưu trữ hoặc hiển thị TĐDL; 2. Nội dung của TĐDL có thể truy cập và sử dụng được dưới dạng hoàn chỉnh khi cần thiết” (Điều 13).

Căn cứ theo quy định của pháp luật, thư điện tử (email) là một hình thức thể hiện TĐDL (Điều 10 LGDĐT) và TĐDL không bị phủ nhận giá trị dùng làm chứng cứ (khoản 1 Điều 14 LGDĐT). Như vậy, trong trường hợp anh (chị) kiện bạn về việc trốn nợ, email có được coi là chứng cứ hay không còn phụ thuộc vào việc email đó của anh (chị) có đúng theo quy định tại Điều 81 BLTTDS và có đủ điều kiện theo quy định tại Điều 13, khoản 2 Điều 14 LGDĐT hay không.

Khuyến nghị:

  1. Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
  2. Nội dung bài tư vấn pháp luật tố tụng mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.