-->

Đóng thêm bảo hiểm tự nguyện để được nhận BHXH sau khi nghỉ hưu được không?

Việc bạn hưởng trợ cấp thôi việc là quyền lợi của bạn khi chấm dứt HĐLĐ mà không ảnh hưởng đến các điều kiện để bạn hưởng các chế độ của BHXH.

Hỏi: Chị tôi đã đủ 55 tuổi làm cán bộ chuyên trách ở xã phường, có 9 năm 6 tháng đóng BHXH. Đã nhận chế độ nghỉ việc tính đến nay được 1 năm rưỡi. Nay chị tôi muốn nộp lại tiền đã lĩnh một lần và xin đóng BHXH tự nguyện một lần đóng cho những năm tiếp theo còn thiếu để được hưởng lương hưu có được không? Quy định ra sao? Vậy phải đóng thêm BHXH tự nguyện 5 năm 6 tháng nữa cho đủ 15 năm. (Lê Thọ Hà - TP Hồ Chí Minh)

>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Luật gia Lương Thị Anh Thư - Tổ tư vấn pháp luật Lao động Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:

Thứ nhất, về hưởng chế độ thôi việc:

Thông tin bạn cung cấp không làm rõ được việc chị bạn nhận chế độ thôi việc một lần là chị bạn hưởng trợ cấp thôi việc hay đã rút bảo hiểm xã hội 1 lần. Do vậy chúng tôi đặt ra giả thiết như sau:

Giả thiết 1: chị bạn nhận chế độ trợ cấp thôi việc:

Trợ cấp thôi việc là khoản trợ cấp người lao động được hưởng một lần do người sử dụng lao động chi trả khi chấm dứt HĐLĐ thuộc các trường hợp theo quy định của pháp luật là được hưởng trợ cấp thôi việc. Do vậy, khoản trợ cấp này độc lập với các chế độ do bảo hiểm xã hội chi trả. Việc bạn hưởng trợ cấp thôi việc là quyền lợi của bạn khi chấm dứt HĐLĐ mà không ảnh hưởng đến các điều kiện để bạn hưởng các chế độ của BHXH.

Giả thiết 2: nhận chế độ bảo hiểm xã hội một lần.

Theo Điều 60 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định bảo hiểm xã hội một lần thì.

1. Người lao động quy định tại khoản 1 Điều 2 của Luật này mà có yêu cầu thì được hưởng bảo hiểm xã hội một lần nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Đủ tuổi hưởng lương hưu theo quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 54 của Luật này mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội hoặc theo quy định tại khoản 3 Điều 54 của Luật này mà chưa đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội và không tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện”.

Như vậy, trong trường hợp chị bạn đã hưởng BHXH một lần cho 9 năm 6 tháng đóng bảo hiểm thì coi như chị bạn đã chấm dứt quan hệ với BHXH. Hay nói cách khác thì khi đã rút BHXH một lần tức là sẽ không còn tồn tại quỹ BHXH của bạn nữa. Do vậy, trong trường hợp này chị bạn không có cơ sở để hưởng chế độ hưu trí. Và đương nhiên nếu đã hoàn tất thủ tục hưởng thì không thể trả lại khoản tiền này cho BHXH để khôi phục thời gian đóng BHXH được.

Thứ hai, về tham gia bảo hiểm tự nguyện để hưởng lương hưu.

Tuy chị bạn đã có gần 10 năm làm cán bộ chuyên trách tại xã phường, nhưng do chưa có đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc làm căn cứ hưởng chế độ hưu trí. nếu nếu chị bạn muốn hưởng lương hưu hàng tháng thì buộc phải tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Mà theo đó, điều kiện về số năm đóng bảo hiểm trong trường hợp này là phải có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên. Cụ thể:

Căn cứ Điều 73 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 thì điều kiện hưởng lương hưu như sau.

1. Người lao động hưởng lương hưu khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi;

b) Đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên.

2. Người lao động đã đủ điều kiện về tuổi theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này nhưng thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm thì được đóng cho đến khi đủ 20 năm để hưởng lương hưu”.

Phương thức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện:

Theo Khoản 2 Điều 8 Thông tư 01/2016/TT-BLĐTBXH Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHXH tự nguyện do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành.

Theo đó, những người tham gia BHXH đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu nhưng thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm thì được đóng một lần cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu.

Theo Điều 9 Nghị định 134/2015/NĐ-CP quy định phương thức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện theo Khoản 2 Điều 87 của Luật Bảo hiểm xã hội được quy định như sau:

1. Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được chọn một trong các phương thức đóng sau đây để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất:

a) Đóng hằng tháng;

b) Đóng 03 tháng một lần;

c) Đóng 06 tháng một lần;

d) Đóng 12 tháng một lần;

đ) Đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm một lần;

e) Đóng một lần cho những năm còn thiếu đối với người tham gia bảo hiểm xã hội đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định nhưng thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng) thì được đóng cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu.

2. Trường hợp người tham gia bảo hiểm xã hội đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định mà thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu trên 10 năm nếu có nguyện vọng thì tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện theo một trong các phương thức quy định tại các Điểm a, b, c, d và đ Khoản 1 Điều này cho đến khi thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu không quá 10 năm thì được đóng một lần cho những năm còn thiếu để hưởng lương hưu theo quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều này”.

Như vậy, trường hợp của chị bạn có thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu trên 10 năm và nguyện vọng đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện cho những năm còn thiếu thì có thể tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện để đủ điều kiện hưởng lương hưu bằng cách lựa chọn các phương thức đóng hàng tháng; đóng 3 tháng một lần; đóng 06 tháng một lần; đóng 12 tháng một lần; đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm một lần cho đến khi thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu không quá 10 năm thì được đóng một lần cho những năm còn thiếu và phải đóng đủ 20 năm để hưởng lương hưu theo quy định.

Tuy nhiên, chị bạn nên cân nhắc kỹ vấn đề có tiếp tục đóng bảo hiểm tự nguyện để đủ 20 năm hay không? Vì số tiền đóng cho hơn 10 năm còn thiếu này là khoản tiền tương đối lớn. Do vậy, chị bạn cần xem xét vấn đề này.

Khuyến nghị:

  1. Để có tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198.
  2. Nội dung tư vấn pháp luật lao động mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.