Nhà giáo có thời gian giảng dạy, giáo dục đủ 05 năm (60 tháng) thì được tính hưởng phụ cấp thâm niên.
Hỏi: Tôi công tác trong ngành giáo dục từ 01/09/2000 tại Trường THCS MP (huyện C), được biên chế chính thức sau 01 năm tập sự vào tháng 09/2001, mã ngạch 15.113. Vào tháng 09/2010, tôi xin nghỉ việc và xin được hưởng trợ cấp một lần, vì được tuyển dụng mới tại Trường THPT KT với mã ngạch 15.113 giảng dạy cấp THPT.
TạiTrường THPT KT, tôi được biên chế chính thức vào tháng 09/2011, thời gian tập sự 01 năm. Phòng GD-ĐT huyện C đã không giải quyết cho tôi thôi việc mà tiếp tục trả lương cho tôi từ tháng 09 và tháng 10/2010 (tôi không nhận 02 tháng lương này, sau này tôi mới biết là thủ quỹ của Trường nhận). Vào tháng 11/2010, tôi được thông báo qua điện thoại là đơn xin thôi việc không được giải quyết và trường hợp của tôi Phòng Giáo dục Huyện C ra quyết định buộc thôi việc (với lý do tự ý bỏ nhiệm sở).
Hiện giờ sổ BHXH của tôi bị trùng lặp 02 tháng (tháng 09 và tháng 10/2010 do Phòng BHXH cập nhật theo lương mà Phòng GD-ĐT chi trả. Trong khi đó, tôi về công tác tại đơn vị mới trong tỉnh K và được đóng bảo hiểm từ ngày 01/09/2010 cho đến nay. Quá trình giảng dạy và đóng BHXH của tôi liên tục không bị gián đoạn.
Vậy đề nghị Luật sư tư vấn giúp: Trường hợp của tôi có được hưởng Phụ cấp thâm niên nhà giáo theo Nghị định số 54/2011/NĐ-CP về chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo không? Nếu có thì được tính như thế nào? (Hoạt Họa - Cần Thơ)
>>> Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
Luật gia Bùi Việt Hòa - Tổ tư vấn pháp luật Lao động - Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:
Căn cứ Điều 2 Nghị định số 54/2011/NĐ-CP quy định về điều kiện được tính hưởng phụ cấp thâm niên như sau: “1. Nhà giáo có thời gian giảng dạy, giáo dục đủ 05 năm (60 tháng) thì được tính hưởng phụ cấp thâm niên. 2. Thời gian tính hưởng phụ cấp thâm niên: a) Thời gian giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục; b) Thời gian hưởng phụ cấp thâm niên ở các ngành nghề khác được cộng dồn với thời gian quy định tại điểm a khoản này để tính hưởng phụ cấp thâm niên. 3. Thời gian không tính hưởng phụ cấp thâm niên: a) Thời gian tập sự, thử việc hoặc thời gian hợp đồng làm việc lần đầu; b) Thời gian nghỉ việc riêng không hưởng lương liên tục từ 01 tháng trở lên; c) Thời gian nghỉ ốm đau, thai sản vượt quá thời hạn theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội; d) Thời gian bị tạm đình chỉ công tác hoặc bị tạm giữ, tạm giam để phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử”.
Như vậy, nếu thỏa mãn quy định về thời gian giảng dạy (đủ 05 năm) thì anh (chị) sẽ được hưởng phụ cấp thâm niên.
Mức phụ cấp được quy định tại Điều 3 của Nghị định này như sau: “Nhà giáo đủ 05 năm (60 tháng) giảng dạy, giáo dục được tính hưởng mức phụ cấp thâm niên bằng 5% của mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có); từ các năm sau trở đi, phụ cấp thâm niên mỗi năm được tính thêm 1%”.
Phụ cấp thâm niên được tính trả cùng kỳ lương hàng tháng và được dùng để tính đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Khuyến nghị:
- Để có tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198.
- Nội dung tư vấn pháp luật lao động mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận