-->

Để vợ đi nộp hồ sơ và làm các thủ tục nghỉ hưu sớm thay mình được không?

Người lao động bị suy giảm khả năng lao động có thể xin nghỉ hưu sớm.

Hỏi: Tôi sinh ngày 29/12/1963. Quá trình công tác của tôi 34 năm, liên tục từ 1982 đến nay, cụ thể: Quân tình nguyện Việt Nam ở chiến trường Cambodia từ 14/02/1982 đến 30/7/1985. Nhân viên Vegetexco Việt Nam từ 01/11/1985 đến nay. Ngày 10/10/2011 tôi bị đột quỵ (xuất huyết não, phải dùng coil để vá mạch máu não) điều trị tại bệnh viện 115. Sau khi xuất viện, tôi bị liệt nữa người, cố gắng tập vật lý trị liệu, tôi cũng tạm bình phục. Công ty vẫn sử dụng tôi liên tục đến nay. Hiện tại, tôi bị nhức đầu khủng khiếp, hệ vận động thỉnh thoảng không điều khiển được. Mức độ ngày càng tăng nặng. Tôi dự định xin nghỉ hưu trước tuổi. Xin hỏi:

1/ Vợ tôi đi thay tôi nộp hồ sơ, làm các thủ tục xin nghỉ hưu trước tuổi được hay không?

2/ Vui lòng tính giúp tôi tiền lương hưu thực lãnh nếu được giải quyết nghỉ hưu.-Trước 12/2015 : Lương theo NĐ 205/CP có hệ số : 4,51 + Phụ cấp trách nhiệm 0,4.-Từ 01/01/2016 : Mức lương được hưởng là 12.250.000 đ/tháng và đó cũng là mức lương làm cơ sở đóng BHXH, BHYT, BHTN. (Lã Hiệp Hòa - Hà Nội)

>>> Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Luật gia Lương Thị Anh Thư - Tổ tư vấn pháp luật Lao động Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:

Thứ nhất, về việc nộp hộ hồ sơ.

Tại Khoản 10 Điều 25 Quyết định 01/QĐ-BHXH ngày 03/01/2014 có quy định:

10. Người lao động, thân nhân người lao động hoặc người giám hộ của người lao động, thân nhân người lao động có thể trực tiếp hoặc nhờ người khác thay mình nộp hồ sơ đề nghị giải quyết hưởng bảo hiểm xã hộihội, nhưng phải trực tiếp nhận kết quả giải quyết và tiền hưởng bảo hiểm xã hội; trường hợp không có điều kiện nhận trực tiếp thì phải ủy quyền (giấy lĩnh thay lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội theo mẫu số 18-CBH ban hành kèm theo Quyết định số 488/QĐ-BHXH ngày 23/5/2012 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam về quản lý chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội hoặc hợp đồng ủy quyền hoặc giấy ủy quyền khác theo quy định của pháp luật) cho người đại diện hợp pháp của mình nhận kết quả giải quyết và tiền lươngg hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội; trường hợp người định cư ở nước ngoài ủy quyền thực hiện thủ tục hưởng bảo hiểm xã hội một lần thì người được ủy quyền có thể nộp hồ sơ tại Bảo hiểm xã hội huyện nơi người được ủy quyền cư trú.”

Như vậy, theo quy định trên thì vợ bác có thể đi nộp hồ sơ đề nghị giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên thì bác phải trực tiếp nhận kết quả giải quyết và tiền hưởng bảo hiểm xã hội, nếu không thể trực tiếp nhận thì bác phải ủy quyền cho vợ bác theo mẫu số 13-HSB tại công văn số 5435/BHXH-CSXH hướng dẫn tạm thời việc thực hiện các chế độ BHXH theo Luật Bảo hiểm xã hội 2014 từ ngày 01/01/2016.

Thứ hai, về việc tính lương hưu.

Theo quy định tại Điều 62 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 thì mức bình quân lương của bác được tính bằng bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 05 năm cuối trước khi nghỉ hưu.

Điều 62. Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu, trợ cấp một lần

1. Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định có toàn bộ thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương này thì tính bình quân tiền lương tháng của số năm đóng bảo hiểm xã hội trước khi nghỉ hưu như sau:

a) Tham gia bảo hiểm xã hội trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 05 năm cuối trước khi nghỉ hưu;”.

Do bác không cung cấp tiền lương hưởng của các tháng đóng bảo hiểm trong 5 năm cuối trường hợp của bác chúng tôi chỉ có thể tính phần trăm được hưởng lưu hưu của bác như sau:

Điều 56 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 có quy định về mức lương hưu khi suy giảm lao động như sau:

Điều 56. Mức lương hưu hằng tháng

1. Từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành cho đến trước ngày 01 tháng 01 năm 2018, mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 54 của Luật này được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 62 của Luật này tương ứng với 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ; mức tối đa bằng 75%.”

Bác sẽ được hưởng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội tương ứng với 15 năm đóng bảo hiểm. Bác đóng được 34 năm bảo hiểm, như vậy bác sẽ còn 19 năm để tính phần trăm, mỗi năm được tính thêm 2%. Như vậy, tổng cộng bác sẽ được hưởng: 45% + 19x2% = 83%. Tuy nhiên mức tối đa mà pháp luật quy định là 75%. Do vậy trường hợp của bác sẽ được hưởng là 75%.

Ngoài ra, do bác nghỉ trước tuổi nên bác sẽ bị trừ phần trăm tương ứng với số năm nghỉ trước tuổi đó.

3. Mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 55 của Luật này được tính như quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, sau đó cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định thì giảm 2%.

Trường hợp tuổi nghỉ hưu có thời gian lẻ đến đủ 06 tháng thì mức giảm là 1%, từ trên 06 tháng thì không giảm tỷ lệ phần trăm do nghỉ hưu trước tuổi.”

Bác sinh ngày 29/12/1963 vậy đến nay là tháng 4/2016 bác được 52 tuổi 3 tháng. Do đó, bác sẽ bị giảm phần trăm như sau: 7x2% + 1% = 15%.

Như vậy, tổng số phần trăm lương mà bác được hưởng là: 75% - 15%=60%.

Khuyến nghị:

  1. Để có tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198.
  2. Nội dung tư vấn pháp luật lao động mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.