Danh sách khách hàng của doanh nghiệp có được coi là bí mật kinh doanh để được bảo hộ theo Luật Sở hữu trí tuệ không?
Bí mật kinh doanh là gì?
Bí mật kinh doanh (hay còn được biết đến với tên gọi bí mật thương mại – trade secret) theo giải thích tại Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) là "thông tin thu được từ hoạt động đầu tư tài chính, trí tuệ, chưa được bộc lộ và có khả năng sử dụng trong kinh doanh".
Bên cạnh đó, theo Luật Cạnh tranh năm 2004, thì bí mật kinh doanh là thông tin có đầy đủ các điều kiện sau: (i) Không phải là hiểu biết thông thường; (ii) Có khả năng áp dụng trong kinh doanh và khi được sử dụng sẽ tạo cho người nắm giữ thông tin đó có lợi thế hơn so với người không nắm giữ hoặc không sử dụng thông tin đó; (iii) Được chủ sở hữu bảo mật bằng các biện pháp cần thiết để thông tin đó không bị tiết lộ và không dễ dàng tiếp cận được.
Đối với mỗi doanh nghiệp, danh sách khách hàng lại được tổng hợp và lưu trữ, sử dụng theo các phương thức khác nhau.
Trong một số doanh nghiệp nhỏ, danh sách khách hàng thường là những thông tin về khách hàng bao gồm: họ tên, địa chỉ, số điện thoại liên hệ, địa chỉ hòm thư điện tử, ngày tháng năm sinh, nghề nghiệp… những thông tin dễ dàng có được, hầu hết nhân viên công ty có thể tiếp cận, sử dụng, doanh nghiệp không thấy cần thiết phải sử dụng các biện pháp bảo mật để bảo vệ những thông tin này. Trường hợp này, danh sách khách hàng thường được nhầm lẫn với bí mật nhân thân - một trong các trường hợp không được bảo hộ theo Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi bổ sung năm 2009).
Tuy nhiên, đối với nhiều doanh nghiệp, danh sách khách hàng lại là sự tổng hợp của rất nhiều thông tin cá nhân quan trọng khác, ví dụ như trong hệ thống ngân hàng, tài chính, bảo hiểm, y tế… mà khi danh sách khách hàng bị tiết lộ, có thể gây ra nhiều rủi ro không chỉ đối với doanh nghiệp mà còn đối với cả khách hàng, những thông tin này thường được thiết lập để hạn chế đối tượng tiếp cận, hạn chế số lượng thông tin được tiếp cận, được bảo mật cẩn thận bởi các kỹ thuật công nghệ cũng như về mặt vật lý.
Danh sách khách hàng có được coi là bí mật kinh doanh hay không không phụ thuộc vào tên gọi mà phụ thuộc vào giá trị thông tin được chứa đựng trong danh sách đó cũng như sự xác định mức độ quan trọng đối với hoạt động của doanh nghiệp.
Để danh sách khách hàng được bảo hộ dưới dạng bí mật kinh doanh, danh sách khách hàng phải đảm bảo các điều kiện đầy đủ của các yếu tố theo Điều 84 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) như sau: (i) Không phải là hiểu biết thông thường và không dễ dàng có được; (ii) Khi được sử dụng trong kinh doanh sẽ tạo cho người nắm giữ ật kinh doanh lợi thế so với người không nắm giữ hoặc không sử dụng bí mật kinh doanh đó; (iii) Được chủ sở hữu bảo mật bằng các biện pháp cần thiết để bí mật kinh doanh đó không bị bộc lộ và không dễ dàng tiếp cận được.
Trường hợp xét thấy danh sách khách hàng của doanh nghiệp không có đầy đủ các yếu tố đã nêu, tuy nhiên cần được bảo vệ, tránh tiết lộ, việc tiết lộ sẽ ảnh hưởng đến hoạt động, uy tín của mình, doanh nghiệp cần chủ động thực hiện các phương pháp bảo vệ cần thiết, phù hợp.
Luật gia Nguyễn Liên - Phòng Sở hữu trí tuệ của Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198,tổng hợp.
Khuyến nghị:
- Bài viết được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
- Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị đây chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
- Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 19006198, E-mail: [email protected], [email protected].
Bình luận