Khi vợ hoặc chồng muốn sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc chung thì phải được sự đồng ý của người kia. Nếu một người đã chết thì người kia chỉ có thể sửa đổi, bổ sung di chúc liên quan đến phần tài sản của mình.
Hỏi: Hai năm trước khi mất, bố chồng tôi và vợ lập di chúc chung để lại căn nhà cho chồng tôi. Gia đình tôi đang rất bối rối bởi anh chồng tôi (con riêng của bố) đã được chia căn nhà khác khi bố tôi còn sống, bây giờ đòi chia tiếp căn nhà chồng tôi được thừa kế. Đề nghị Luật sư tư vấn, chúng tôi phải ứng xử như thế nào? Mẹ chồng tôi có thể thay đổi di chúc đó không? (Nguễn Thanh Nga - Hòa Bình). Luật gia Bùi Ánh Vân - Tổ tư vấn pháp luật thừa kế của Công ty Luật TNHH Everest trả lời:
Điều 663 Bộ luật dân sự năm 2005 (Bộ luật đang có hiệu lực thi hành tại thời điểm cha mẹ bạn lập di chúc) quy định: "Vợ, chồng có thể lập di chúc chung để định đoạt tài sản chung".
Về việc sửa đổi di chúc, theo khoản 2 Điều 664 Bộ luật này, khi vợ hoặc chồng muốn sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc chung thì phải được sự đồng ý của người kia. Nếu một người đã chết thì người kia chỉ có thể sửa đổi, bổ sung di chúc liên quan đến phần tài sản của mình.
Hơn nữa, theo quy định tại Điều 640 Bộ luật Dân sự năm 2015, người lập di chúc có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc đã lập vào bất cứ lúc nào.
Với các quy định nói trên, mẹ chồng của chị hoàn toàn có quyền sửa đổi di chúc liên quan đến phần tài sản của bà ấy. Tuy nhiên, để đảm bảo bản di chúc sửa đổi có hiệu lục thi hành (hợp pháp), mẹ chị cần tuân thủ các quy định về lập di chúc được quy định tại Điều 630 như: người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ hoặc cưỡng ép; nội dung di chúc không trái pháp luật, đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của pháp luật…
Về việc con riêng của bố chồng chị đòi chia tài sản đối với căn nhà chị nêu, theo quy định tại Điều 668 Bộ luật dân sự, di chúc chung của vợ, chồng có hiệu lực từ thời điểm người sau cùng chết hoặc tại thời điểm vợ, chồng cùng chết. Do vậy, di chúc chung của bố mẹ chồng chị chưa có hiệu lực pháp luật. Hơn nữa, con riêng của bố chồng chị không được chỉ định hưởng di sản thừa kế đối với căn nhà đã được định đoạt trong di chúc đó nên về nguyên tắc anh ta không được hưởng thừa kế.
Tuy nhiên, nếu di chúc chung của bố mẹ chồng chị được xác định là không hợp pháp thì con riêng của bố chồng chị có quyền yêu cầu chia di sản thừa kế đối với phần di sản của người bố để lại. Thẩm quyền xác định di chúc có hợp pháp hay không thuộc về tòa án. Trường hợp con riêng của bố chồng chị không có khả năng lao động, vẫn được hưởng (được chia) phần di sản bằng 2/3 suất của một người thừa kế theo pháp luật mà không phụ thuộc vào di chúc của bố chồng bạn không cho hưởng thừa kế.
Khuyến nghị:
- Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
- Nội dung bài tư vấn pháp luật thừa kế mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Tại thời điểm quý Vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận