Con có quyền có tài sản riêng. Tài sản riêng của con bao gồm tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng, thu nhập do lao động của con, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của con và thu nhập hợp pháp khác.
Hỏi: Gia đình tôi khá khó khăn, bố cháu thường xuyên uống rượu, không đi làm nên cháu lớn nhà tôi phải nghỉ học đi làm xa nhà sớm từ năm 13 tuổi để tôi có thêm tiền sinh hoạt. Đến nay, cháu có tích góp được một khoản tiền cũng kha khá. Chồng tôi bắt cháu phải đưa số tiền đó cho ông ấy với lý do phải đóng góp thu nhập về cho gia đình. Nhưng thực ra ông ấy muốn có số tiền đó để nhậu nhẹt cùng bạn bè. Đề nghị Luật sư tư vấn, con tôi có phải đưa số tiền ấy cho bố nó không? (Nguyễn Hương - Thái Nguyên)
Luật gia Nguyễn Thị Yến - Tổ tư vấn pháp luật Hôn nhân và Gia đình của Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:
Điều 75 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về quyền có tài sản riêng của con và nghĩa vụ đóng góp vào việc đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình khi có thu nhập như sau: “Quyền có tài sản riêng của con. 1. Con có quyền có tài sản riêng. Tài sản riêng của con bao gồm tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng, thu nhập do lao động của con, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của con và thu nhập hợp pháp khác. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của con cũng là tài sản riêng của con. 2. Con từ đủ 15 tuổi trở lên sống chung với cha mẹ phải có nghĩa vụ chăm lo đời sống chung của gia đình; đóng góp vào việc đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình nếu có thu nhập. 3. Con đã thành niên có nghĩa vụ đóng góp thu nhập vào việc đáp ứng nhu cầu của gia đình theo quy định tại khoản 4 Điều 70 của Luật này".
Hiện tại, con chị đã trên 15 tuổi và có thu nhập. Nhưng cháu đi làm xa nhà và không sống cùng gia đình nên cháu không có nghĩa vụ đóng góp thu nhập vào việc đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình. Chồng chị không có quyền bắt cháu phải đưa số tiền đó vì theo quy định pháp luật, cha, mẹ có nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con. Các nghĩa vụ này, anh đều chưa thực hiện tốt dẫn đến việc cháu phải nghỉ học sớm để tham gia lao động giúp kinh tế gia đình. Và bản chất số tiền trên không được dùng để đáp ứng nhu cầu thiết yếu (ăn, mặc, sinh hoạt tối thiểu) của gia đình. Nên với những lý do trên và từ sự công bằng xã hội, chồng chị không có quyền yêu cầu cháu phải đóng góp số tiền.
Khuyến nghị:
- Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
- Nội dung bài tư vấn pháp luật Hôn nhân và Gia đình mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Tại thời điểm quý Vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận