Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%, chỉ được khởi tố vụ án hình sự khi có yêu cầu của bị hại.
Nội dung yêu cầu của khách hàng tóm tắt: Trong lúc uống rượu cùng nhóm bạn, tôi có xô xát với một người bàn bên cạnh, cầm chai rượu đập vào đầu. Người này bị thương tật 13% và tố cáo hành vi của tôi với cơ quan công an. Tôi bị khởi tố về tội Cố ý gây thương tích. Tuy nhiên sau khi đạt được thỏa thuận bồi thường thiệt hại, họ đã đồng ý làm đơn bãi nại ngay trước ngày diễn ra phiên xử. Xin hỏi nếu bây giờ họ rút đơn, tôi có bị truy cứu trách nhiệm hình sự nữa không?
Luật sư Nguyễn Thị Yến - Trưởng nhóm tư vấn pháp luật trực tuyến của Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:
Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 (gọi tắt là Bộ luật Hình sự) quy định về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác như sau:
"1- Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: (a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn gây nguy hại cho từ 02 người trở lên; (b) Dùng a-xít sunfuric (H2SO4) hoặc hóa chất nguy hiểm khác gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác; (c) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân; (d) Phạm tội 02 lần trở lên; (đ) Phạm tội đối với 02 người trở lên; (e) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ; (g) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng mình, thầy giáo, cô giáo của mình; (h) Có tổ chức; (i) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; (k) Phạm tội trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện bắt buộc; (l) Thuê gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe do được thuê; (m) Có tính chất côn đồ; (n) Tái phạm nguy hiểm; (o) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.
2- Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, d, đ, e, g, h, i, k, l, m, n và o khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.
3- Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%, thì bị phạt tù từ 04 năm đến 07 năm.
4- Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, d, đ, e, g, h, i, k, l, m, n và o khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm.
5- Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên, nếu không thuộc trường hợp quy định tại điểm c khoản 6 Điều này hoặc dẫn đến chết người, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm.
6- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân: (a) Làm chết 02 người trở lên; (b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên; (c) Gây thương tích vào vùng mặt của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở.
7- Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm".
Quy định nêu trên tương đồng với Điều 104 Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009 (Bộ luật Hình sự cũ).
Điều 155 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (Bộ luật Tố tụng hình sự) quy định về khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại:
"1- Chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết.
2-Trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì vụ án phải được đình chỉ, trừ trường hợp có căn cứ xác định người đã yêu cầu rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì tuy người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án vẫn tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án.
3- Bị hại hoặc người đại diện của bị hại đã rút yêu cầu khởi tố thì không có quyền yêu cầu lại, trừ trường hợp rút yêu cầu do bị ép buộc, cưỡng bức".
Quy định nêu trên tương đồng với Điều 105 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 (Bộ luật Tố tụng hình sự cũ).
Trong trường hợp của anh nêu, anh đã lấy chai rượu (bị coi là hung khí nguy hiểm) đánh nạn nhân, gây tỷ lệ thương tật là 13%. Hành vi này được xác định là cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác, có tình tiết tăng nặng định khung là sử dụng hung khí nguy hiểm (khoản 2).
Theo quy định của pháp luật, trường hợp của anh chị vẫn bị khởi tố vụ án mặc dù người bị hại đã rút đơn. Tuy nhiên, nếu có nghi ngờ về kết luận giám định về tỉ lệ thương tật của người bị hại, anh có thể làm đơn đề nghị giám định lại. Nếu giám định (mới) kết luận thương tích dưới 11%, thì anh được miễn trách nhiệm hình sự.
Khuyến nghị:
- Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
- Nội dung bài tư vấn pháp luật hình sự mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Tại thời điểm quý Vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận