Có phải trả sổ bảo hiểm khi lao động nghỉ việc không?

Người sử dụng lao động có các trách nhiệm sau đây: Bảo quản sổ bảo hiểm xã hội của người lao động trong thời gian người lao động làm việc; Trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động khi người đó không còn làm việc...

Hỏi: Em nghỉ việc từ ngày 01.06.2015, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được Sổ BHXH và Quyết định (QĐ) thôi việc (bản chính) từ Công ty cũ. Lý do công ty chưa trả sổ BHXH và quyết định là do trước đây em có bảo lãnh cho 1 nhân viên khác trong Công ty vay công đoàn . Công ty yêu cầu nhân viên đó phải tìm được người bảo lãnh thay thế em thì em mới được nhận lại Sổ BHXH và QĐ thôi việc. Công ty cũ của em làm như vậy là đúng hay sai? (Đỗ Đức Thuận - Quảng Ninh)



>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Luật gia Nguyễn Thị Tâm - Tổ tư vấn pháp luật lao động của Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:

Khoản 1, Điều 18 Luật bảo hiểm xã hội năm 2006 về trách nhiệm của người sử dụng lao động: “1. Người sử dụng lao động có các trách nhiệm sau đây: a) Đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại Điều 92 và hằng tháng trích từ tiền lương, tiền công của người lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 91 của Luật này để đóng cùng một lúc vào quỹ bảo hiểm xã hội; b) Bảo quản sổ bảo hiểm xã hội của người lao động trong thời gian người lao động làm việc; c) Trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động khi người đó không còn làm việc”.

Đồng thời theo quy định tại Điều 47 Bộ luật Lao động năm 2012 về trách nhiệm của người sử dụng lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động: “1. Ít nhất 15 ngày trước ngày hợp đồng lao động xác định thời hạn hết hạn, người sử dụng lao động phải thông báo bằng văn bản cho người lao động biết thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động. 2. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày. 3. Người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ bảo hiểm xã hội và những giấy tờ khác mà người sử dụng lao động đã giữ lại của người lao động”.

Như vậy, công ty có trách nhiệm trả sổ bảo hiểm cho anh (chị) trong thời hạn 7 ngày làm việc, tức anh (chị) nghỉ việc từ 1/6/2015 thì đến ngày 8/6/2015 công ty có trách nhiệm trả sổ bảo hiểm cũng như thanh toán các khỏan liên quan.Trong trường hợp đặc biệt thì không quá thời hạn 30 ngày, tức ngày 30/6/2015 phải tiến hành trả sổ bảo hiểm. Tuy nhiên, đến nay tức hai tháng anh (chị) chưa nhận lại được sổ bảo hiểm, từ đó có thể khẳng định rằng công ty đã vi phạm về thủ tục thực hiện bảo hiểm theo Điều 135 Luật bảo hiểm xã hội 2006.Cụ thể: “Điều 135. Các hành vi vi phạm pháp luật về thủ tục thực hiện bảo hiểm xã hội: 1. Cố tình gây khó khăn hoặc cản trở việc hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội của người lao động. 2. Không cấp sổ bảo hiểm xã hội hoặc không trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động theo quy định của Luật này”.

Còn đối với việc bảo lãnh cho nhân viên vay của công đoàn không hề ảnh hưởng tới việc đưa ra quyết định trả sổ bảo hiểm cũng như trả quyết định thôi việc cho anh (chị). Bở lý do, vấn đề bảo lãnh này thuộc về dân sự không liên quan tới vấn đề lao động, đồng thời trách nhiệm của hai bên là riêng biệt nên công ty không thể lấy lý do trên để không thực hiện trách nhiệm của mình là trả sổ bảo hiểm cho anh (chị). Theo đó, anh (chị) có thể khiếu nại lên ban giám đốc công ty yêu cầu được giải quyết, giải thích cho lý do không trả sổ bảo hiểm xã hội cho anh (chị) và yêu cầu công ty trả sổ bảo hiểm xã hội cho anh (chị).

Khuyến nghị:
  1. Để có tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198.
  2. Nội dung tư vấn pháp luật lao động mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.