Quyền sử dụng đất dùng vào việc thờ cúng không thuộc sở hữu của riêng bất cứ cá nhân nào, không ai có quyền chuyển dịch quyền sử dụng đất này.
Hỏi: Anh trai là liệt sỹ có vợ nhưng không có con, hiện tại vợ anh là bà A vẫn ở 1 mình. Vừa qua bà A đã đồng ý chuyển nhượng mảnh đất đó cho người hàng xóm của bà. Sự việc đó hai bên gia đình nội ngoại không ai biết. Hiện tại hồ sơ chuyển nhượng đã được chuyển lên UBND huyện để cấp bìa. Gia đình tôi đã làm đơn khiếu nại gửi UBND xã đề nghị tạm dừng việc này lại nhưng bà A nói đất của tôi thích cho ai thì cho. Xin hỏi Luật sư, nếu đây là mảnh đất đang thờ cúng liệt sỹ mà cho hàng xóm thì sau này bà A mất đi ai thờ cúng bà A và liệt sỹ và thờ cúng ở đâu và gia đình tôi phải làm gì để dừng việc chuyển nhượng này và khi làm hồ sơ chuyển nhượng có cần phải có biên bản họp có sự đồng ý ký tên của những người trong gia đình tôi không? (Vương Quốc Hoàng - Ninh Bình)
Luật gia Bùi Ánh Vân - Tổ tư vấn pháp pháp luật bất động sản của Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:
Thứ nhất, việc đất thờ cúng theo trường hợp của bạn chỉ được xác định là di sản dùng để thờ cúng nếu theo điều 670 Bộ Luật Dân sự 2005:
"Trong trường hợp người lập di chúc có để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng thì phần di sản đó không được chia thừa kế và được giao cho một người đã được chỉ định trong di chúc quản lý để thực hiện việc thờ cúng; nếu người được chỉ định không thực hiện đúng di chúc hoặc không theo thoả thuận của những người thừa kế thì những người thừa kế có quyền giao phần di sản dùng vào việc thờ cúng cho người khác quản lý để thờ cúng.Trong trường hợp người để lại di sản không chỉ định người quản lý di sản thờ cúng thì những người thừa kế cử một người quản lý di sản thờ cúng.Trong trường hợp tất cả những người thừa kế theo di chúc đều đã chết thì phần di sản dùng để thờ cúng thuộc về người đang quản lý hợp pháp di sản đó trong số những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật".
Như vậy, nếu như có di chúc xác nhận đất bà A đang sinh sống là đất dùng để thờ cúng thì sẽ không được chia thừa kế, nó được quản lý bởi một người được chỉ định trong di chúc hoặc do những người thừa kế thỏa thuận cử ra. Thế nên quyền sử dụng đất dùng vào việc thờ cúng không thuộc sở hữu của riêng bất cứ cá nhân nào, không ai có quyền chuyển dịch quyền sử dụng đất này. Tuy nhiên, với trường hợp của bạn, anh trai của bố bạn là liệt sĩ, người thừa kế duy nhất là bà A, nếu anh trai của bố bạn không có nguyện vọng gì về việc dùng đất thờ cúng thì diện tích đó không được coi là đất thờ cúng, bà A được quyền tự do chuyển nhượng.
Với vấn đề bạn muốn khởi kiện gia đình nhận chuyển nhượng đất của bà A, theo như trình bày của bạn thì chưa đủ tình tiết để cấu thành tội hình sự, do đó, gia đình bạn cần cân nhắc cụ thể trước khi khởi kiện.
Khuyến nghị:
- Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
- Nội dung bài tư vấn pháp luật bất động sản mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Tại thời điểm quý Vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận