Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu.
Hỏi: Tôi đang có kế hoạch chuyển nhượng quyền tác giả đối với tác phẩm của mình cho một tổ chức khác. Đề nghị Luật sư cho biết pháp luật quy định như thế nào về vấn đề này? (Nguyễn Ngọc Thái - Hà Nội)
Tiến sỹ, Luật sư Vũ Thái Hà -Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội- trả lời:
Theo khoản 4 Điều 2 Luật Sở hữu trí tuệ, quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu.
Chuyển nhượng quyền tác giả là việc chủ sở hữu quyền tác giả chuyển giao quyền sở hữu đối với các quyền quy định tại khoản 3 Điều 19, Điều 20 của Luật Sở hữu trí tuệ cho tổ chức, cá nhân khác theo hợp đồng hoặc theo quy định của pháp luật có liên quan. Tác giả không được chuyển nhượng các quyền nhân thân quy định tại Điều 19 Luật Sở hữu trí tuệ, trừ quyền công bố tác phẩm (Điều 45 Luật Sở hữu trí tuệ). Trong trường hợp tác phẩm có đồng chủ sở hữu thì việc chuyển nhượng phải có sự thỏa thuận của tất cả các đồng chủ sở hữu; trong trường hợp có đồng chủ sở hữu nhưng tác phẩm có các phần riêng biệt có thể tách ra sử dụng độc lập thì chủ sở hữu quyền tác giả có quyền chuyển nhượng quyền tác giả đối với phần riêng biệt của mình cho tổ chức, cá nhân khác.
Quyền nhân thân được quy định tại Điều 19 Luật Sở hữu trí tuệ bao gồm các quyền sau đây: 1) Đặt tên cho tác phẩm. 2) Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng. 3) Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm. 4) Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.
Quyền tài sản được quy định tại Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ bao gồm các quyền sau: 1) Làm tác phẩm phát sinh. 2) Biểu diễn tác phẩm trước công chúng. 3) Sao chép tác phẩm. 4) Phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm. 5) Truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác. 6) Cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính.
Khi chuyển nhượng quyền tác giả, ông Nguyễn Ngọc Thái cần làm hợp đồng chuyển nhượng quyền tác giả với tổ chức nhận chuyển nhượng. Hợp đồng chuyển nhượng quyền tác giả phải có các nội dung chính được quy định tại Điều 46 Luật Sở hữu trí tuệ như sau: 1) Tên và địa chỉ đầy đủ của bên chuyển nhượng và bên được chuyển nhượng. 2) Căn cứ chuyển nhượng. 3) Giá, phương thức thanh toán. 4) Quyền và nghĩa vụ của các bên. 5) Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng.
Việc thực hiện, sửa đổi, chấm dứt, hủy bỏ hợp đồng chuyển nhượng quyền tác giả được áp dụng theo quy định của Bộ luật Dân sự.
Theo Báo Hà Nội mới(ngày 02.05.2012)
Khuyến nghị:
- Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
- Nội dung bài tư vấn pháp luật sở hữu trí tuệ mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận