Chống trả lại người đánh mình nếu phòng vệ chính đáng thì không phải là tội phạm. Nếu vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng thì có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Hỏi: Trên đường đi chơi về, tôi và một người bạn bị một nhóm người chặn đánh. Chúng tôi bỏ chạy thì họ cầm dao đuổi theo và làm bạn tôi bị thương. Trong lúc hoảng loạn, để bảo vệ bạn, tôi nhặt luôn một viên gạch bên đường và đánh vào đầu một người bên kia gây chấn thương sọ não nhưng chưa chết. Vậy đề nghị Luật sư tư vấn, tôi phạm tội gì? (Vũ Văn Nghị - Ninh Bình)
Luật gia Phạm Thị Phương - Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:
Điều 15 Bộ luật hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định như sau:
“1. Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác, mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.
Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.
2. Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại.
Như vậy, căn cứ vào quy định trên, cơ sở làm phát sinh quyền phòng vệ chính đáng là sự tấn công đang hiện hữu, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích của tập thể, quyền hoặc lợi ích chính đáng của công dân. Sự chống trả của người phòng vệ chính đáng phải nhằm vào chính người tấn công và phải dựa vào một số yếu tố sau: Tính chất của quan hệ xã hội bị đe dọa xâm hại; Mức độ thiệt hại bị đe dọa gây ra; Sức mạnh và sức mãnh liệt của hành vi tấn công; Tính chất và mức độ nguy hiểm của phương pháp và phương tiện hay công cụ mà người tấn công sử dụng; Sức mạnh và khả năng phòng vệ của người phòng vệ đặt trong hoàn cảnh cụ thể…
Dựa vào các yếu tố đó và tổn hại sức khỏe của hai bên, cơ quan điều tra sẽ kết luận anh (chị) có phạm tội hay không. Nếu hành vi đánh người được coi là phòng vệ chính đáng thì anh (chị) sẽ không phạm tội. Nếu hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng thì anh (chị) có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 106 Bộ luật hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009).
Khuyến nghị:
- Để nhận được ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
- Nội dung bài tư vấn pháp luật hình sự mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Tại thời điểm quý Vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận